Trung Quốc muốn Mỹ chọn đối thoại để giải quyết căng thẳng
16/12/2024 53Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng không ai thắng trong chiến tranh thương mại, nên chọn đối thoại thay vì đối đầu.
“Trò chơi có tổng bằng không” là cách gọi của nhiều chuyên gia kinh tế khi đánh giá đến tác động của thuế quan thương mại mà Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị áp dụng với đối tác thương mại.
Vì sao lại là trò chơi tổng bằng không? Theo lập luận, nếu Mỹ đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc và nhiều nước khác thì doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ là đối tượng cuối cùng chịu thiệt hại. Trước đó, thuế quan làm tăng đáng kể chi phí đầu vào, dẫn đến lạm phát, thiệt hại chung toàn cầu.
Do vậy, mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết các tranh chấp thương mại trong bối cảnh có nguy cơ cuộc chiến này leo thang từ đầu năm sau.
Trong lá thư gửi Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc vào thứ Năm tuần này, ông Tập Cận Bình cho biết hai bên nên “chọn đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác cùng có lợi thay vì trò chơi tổng bằng không”, đồng thời nhắc lại cam kết mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ.
Ông Tập Cận Bình phát biểu: “sẽ không có người chiến thắng trong các cuộc chiến thuế quan, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ”. Kenneth Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết: “Hàng loạt thông điệp từ Bắc Kinh cho thấy tâm trạng lo lắng và những lời đề nghị này đã diễn ra theo cách rất công khai”.
Tại thời điểm này, xuất khẩu là điểm sáng chủ đạo của nền kinh tế số 2 thế giới, các công ty Trung Quốc vội vã vận chuyển hàng đến Mỹ trước khi mức thuế quan cao hơn có hiệu lực. Khi đó, chắc chắn nền ngoại thương khổng lồ của cường quốc châu Á sẽ chậm lại.
Rõ ràng, lập trường chính sách của ông Trump là đặt nước Mỹ lên trên hết đang tạo ra mối đe dọa đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc - những người đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn phục hồi nền kinh tế đang suy yếu.
Ông Trump sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, đã tuyên bố sẽ áp thêm 10% - 60%thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tháng này, chính quyền Joe Biden đã công bố các hạn chế rộng hơn đối với việc xuất khẩu chip nhớ tiên tiến và máy móc sản xuất chip của Mỹ sang các công ty Trung Quốc.
Ngay sau đó, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu một số vật liệu hiếm được sử dụng trong ngành bán dẫn và các ứng dụng quân sự.
Daniel Balazs, một học giả tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nhận xét: “Mặc dù Trung Quốc tỏ thiện chí hàn gắn quan hệ thương mại mang tính xây dựng, nhưng họ sẽ không lùi bước trước áp lực của Mỹ.
Minh chứng là hồi đầu tuần các cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã thông báo rằng họ đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty sản xuất chip lớn của Mỹ là Nvidia.
Chính vì vậy, các nhà phân tích nhận định, sẽ có mức tăng thuế nhưng không quá đột biến và đột ngột. Dẫu sao lợi ích giao thoa dài hạn giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới vẫn rất lớn để có thể đánh đổi một cách chóng vánh.
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024