Tận dụng Hiệp định CPTPP, dệt may tăng xuất khẩu sang thị trường mới
27/11/2024 164Nhờ có Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp dệt may trong nước không chỉ tăng được thị phần mà còn tăng kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường mới.
Năm 2024 được ghi nhận vượt khó thành công của các doanh nghiệp ngành dệt may. Sau một năm tăng trưởng âm, ngành dệt may đã nhanh chóng quay trở lại "đường đua" với kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2024, đạt 3,21 tỷ USD/tháng, tăng 7,8% so với tháng trước. Tính chung trong 10 tháng/2024, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 30,57 tỷ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 2,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do là yếu tố quan trọng giúp ngành phục hồi nhanh. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý I/2025 và đang đàm phán đơn hàng quý II/2025.
Riêng với khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), không chỉ trong năm 2024, những năm gần đây chứng kiến bước tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh thị trường truyền thống và lớn như Nhật Bản, doanh nghiệp còn tiếp cận tốt với các thị trường mới và khó tính như Canada, New Zealand, Mexico.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng sang 9 thị trường khối Hiệp định CPTPP (trừ Việt Nam) khá khả quan. Trong đó, dẫn đầu là Nhật Bản với 3,54 tỷ USD; Canana trên 996,8 triệu USD; Australia 446,2 triệu USD; Mexico 173,7 triệu USD; Malaysia 133,3 triệu USD; Singapore 98,5 triệu USD, Chile 59,5 triệu USD, New Zealand 46 triệu USD; Peru 10,9 triệu USD.
Bên cạnh sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc, Hiệp định CPTPP áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, đã mang đến cơ hội để thúc đẩy công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm của Việt Nam. Theo quan điểm của ông Giang, nếu không có áp lực này ngành sợi của Việt Nam cứ "bình chân như vại" và đi sau một số nước khác. Chính nhờ Hiệp định này đã tạo ra yêu cầu đầu tư vào công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, từ khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm tăng trưởng rất mạnh.
Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn đến Việt Nam đầu tư sản xuất để tận dụng quy tắc xuất xứ lợi thế từ Việt Nam bán hàng cho các nhãn hàng nhập khẩu vào thị trường EU, CPTPP. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Text Hong, New Wide, Weixing, Bros Eastern, Jehong Textile… cùng doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Cát Tường đã đầu tư sản xuất sợi, sản xuất vải, sản xuất phụ liệu, đầu tư nhà máy nhuộm, đầu tư khu công nghiệp sinh thái dệt may tại Việt Nam.
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP đã định hình một xu thế phát triển đa dạng hóa thị trường có tính toàn cầu và cũng là mục tiêu mà Hiệp hội định hình trong 5 năm qua. Đó là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, khách hàng và đa dạng hóa sản xuất các mặt hàng.
Mặt khác, việc các nước đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe cho hàng nhập khẩu vào khối CPTPP, cũng như việc mua hàng trong bối cảnh thị trường châu Âu và Hoa Kỳ đặt ra, đòi hỏi ngành dệt may phải thay đổi xu hướng phát triển bền vững, phải tập trung vào sản phẩm phải có tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường…
Cũng theo ông Giang, có ba thách thức lớn doanh nghiệp Việt đang đối mặt khi thực thi Hiệp định CPTPP. Đầu tiên là các tiêu chuẩn đánh giá. Hiện nay, ngành dệt may và các doanh nghiệp trong ngành đang chịu áp lực lớn về các tiêu chuẩn đánh giá, mỗi nhãn hàng đặt ra một tiêu chuẩn đánh giá khác nhau về tính ổn định, tính bền vững và tính minh bạch trong chính sách lao động. Do đó, các nước thành viên Hiệp định CPTPP cần xem xét để đưa ra một tiêu chuẩn đánh giá thống nhất trong khối, giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp khi phải đáp ứng những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau của các nhãn hàng, nhà nhập khẩu.
Thách thức thứ hai liên quan đến các tiêu chuẩn kép. Hiện nay, một loạt những tiêu chuẩn kép đặt ra những thách thức trong vấn đề bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường khối CPTPP.
Thách thức thứ ba là vấn đề mua hàng và phương thức thanh toán. Bây giờ, hầu hết các nhãn hàng trên toàn cầu, trong đó, có các nhãn hàng trong khối CPTPP mua hàng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam và rủi ro trong thanh toán là một thách thức lớn.
"Trước đây còn áp dụng phương thức thanh toán L/C (Letter of Credit) nhưng bây giờ, tất cả thanh toán bằng phương thức TT trả chậm 40 ngày, 60 ngày, 80 ngày, thậm chí có những đơn hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chấp nhận trả chậm thanh toán 120 ngày. Đây là áp lực rất lớn cho chúng tôi" - ông Giang thông tin và cho biết, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam phải đàm phán với các nhà mua hàng để hạn chế rủi ro tối thiểu nhất cho chính các doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Công Thương
- Định hình lại chiến lược để nâng tầm vị thế cho doanh nghiệp Việt
- Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may
- Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính châu Á 2025
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh