Tin tức

Trung Quốc: Thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam

14/10/2024    330

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024 và tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc về mặt hàng trái cây đang phát triển thuận lợi

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Trong số 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản, hiện Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 và chiếm 20,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó, có mặt hàng rau quả nói chung, trái cây nói riêng, từ nhiều năm nay Trung Quốc đang đứng ở vị trí Top đầu trong số các thị trường xuất khẩu.

Năm 2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 3,6 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã đạt 3 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm 2023.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Việt Nam - Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có có chung hàng nghìn km đường biên giới. Người dân Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về văn hóa và lối sống.

Trung Quốc là một thị trường bao la, rộng lớn với những nhu cầu đa dạng. Việt Nam là đất nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất các loại trái cây đặc sản nhiệt đới. Người tiêu dùng Trung Quốc đã quen thuộc với các trái cây Việt Nam như: Sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, vú sữa…

“Với tiềm năng to lớn và tốc độ tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu to lớn và đa dạng của thị trường Trung Quốc hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Dự báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thu về 5 tỷ USD trong năm nay

Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới. Năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 8 triệu tấn trái cây các loại, trị giá 17 tỷ USD. Trong số các nước xuất khẩu rau quả nhiều nhất vào Trung Quốc, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Thái Lan và Canada.

Tuy nhiên, hiện nay, trái cây của Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu tới các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây hay Vân Nam. Do đó, còn cả một thị trường rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024. Riêng mặt hàng sầu riêng, ước tính đến hết tháng 9/2024 đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, và dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.

Với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.

Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như sự phát triển của các sản phẩm chế biến như sầu riêng đông lạnh và sấy.

Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội thị trường, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, rau quả Việt cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.

“Nếu đưa được trái cây Việt Nam lên phía Bắc của Trung Quốc, xuất khẩu trái cây sang thị trường này sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Quang Hiếu nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để có sự phát triển bền vững tại thị trường này, điều quan trọng hàng đầu là chúng ta phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng, và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.

Thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước

Để thúc đẩy giao thương nông sản giữa hai quốc gia trong thời gian tới, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đề nghị, các cơ quan có liên quan của hai nước tiếp tục, tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường nông sản, đặc biệt các cơ quan của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở rộng các mặt hàng nông lâm thủy sản, nhất là các mặt hàng trái cây đặc sản của Việt Nam được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường của Trung Quốc.

Các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước cần tăng cường hợp tác, liên kết để mở rộng thị trường, phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững phục vụ xuất khẩu, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như: Xúc tiến thương mại, logistics, chợ đầu mối, chuỗi kho lạnh, bảo quản chế biến và chọn tạo giống.

Cơ quan thương mại và nông nghiệp của hai nước tăng cường phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đề tiếp tục tổ chức các lễ hội giao thương nông sản tại nhiều địa phương, khu vực tiềm năng khác của Trung Quốc trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 29/9/2024, "tư lệnh ngành" Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề xuất 6 giải pháp mới để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt. Hai bên tăng cường hợp tác, đảm bảo thông quan thông suốt tại các cửa khẩu; phối hợp phân luồng thông quan hàng hóa, thông báo trước cho nhau thông tin thông quan đối với các sản phẩm cơ điện, nông thủy sản, trái cây và các hàng hóa khác…

Thứ hai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới. Hai bên thúc đẩy mở mới các địa điểm chỉ định giám sát hải quan đối với trái cây, nông sản, lương thực tại các cửa khẩu đường bộ và đường sắt có đủ điều kiện; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, sớm khởi công xây dựng cầu biên giới tại Bản Vược (Lào Cai) - Bá Sái (Hà Khẩu); sớm tổ chức Lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế...

Thứ ba, thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản. Phía Việt Nam đề nghị nước bạn tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam bao gồm các quả có múi, bơ, na, roi, thảo quả, đồng thời sớm hoàn tất việc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với một số trái cây đã được xuất khẩu theo diện truyền thống.

Thứ tư, thúc đẩy khai thác các tuyến container đường sắt. Theo đó, đề nghị cùng chỉ đạo, định hướng các cơ quan hữu quan hai bên tăng cường phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng tuyến vận tải container đường sắt Việt - Trung.

Thứ năm, nghiên cứu mô hình mới để triển khai Khu Hợp tác kinh tế qua biên giới

Thứ sáu, thúc đẩy thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Phản hồi về các đề xuất của phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ nhiều hàng hoá xuất khẩu khác của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam đã có 2.350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc. Trái cây Việt Nam không chỉ là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên, mà còn là sứ giả của nông sản Việt Nam, mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Với sự nỗ lực từ cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc, sự chủ động thích ứng của người sản xuất, chế biến và doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu to lớn và đa dạng của thị trường Trung Quốc hiện tại và tương lai. Tiềm năng to lớn trong quan hệ thương mại nông sản nói chung, rau quả nói riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được khai thác và gia tăng đáng kể trong những năm tới.

Nguồn: Báo Công Thương