Tin tức

Hệ sinh thái FTA - động lực và nền tảng vững chắc hơn cho xuất khẩu da giày

11/10/2024    197

Nếu thành công, hệ sinh thái FTA cho ngành da giày sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA và tạo nền tảng vững chắc cho ngành da giày.

Rào cản hiện hữu

Ngành da giày là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu giày dép đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Sự gia tăng này không chỉ xuất phát từ năng lực sản xuất, mà còn nhờ vào việc Việt Nam tham gia các hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành.

Dù vậy, theo tiến sĩ Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, sự phát triển của ngành da giày vẫn chưa thật sự bền vững. Tăng trưởng của ngành chịu tác động lớn từ các yếu tố bên ngoài và chu kỳ kinh tế toàn cầu. Một trong những ví dụ điển hình là mức tăng trưởng sản xuất đã giảm mạnh từ 17,8% vào năm 2015 xuống mức thấp hơn vào năm 2020, và tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình hình quốc tế trong những năm sau đó.

Ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng - cho biết, các FTA đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày trên địa bàn thành phố Hải Phòng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thống kê qua công tác cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi tại Sở Công Thương Hải Phòng, 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép đi các thị trường có FTA của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận tăng 8% so với cùng kỳ.

Một số thị trường có mức tăng trưởng trên 10%, như: châu Âu (13%), Hàn Quốc (13%), CPTPP (15%), ASEAN (17%), Hongkong (27%). Về tỷ trọng kim ngạch, C/O được cấp vào thị trường châu Âu chiếm 52,28%, Trung Quốc 11%, Nhật Bản 8,9%, CPTPP 8%...

Dù vậy, ông Nguyễn Công Hân cũng nêu ra nhiều thách thức, trong đó là việc doanh nghiệp khó tự chủ trong tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, bị phụ thuộc hoặc bị chỉ định bởi đối tác nhập khẩu. Thậm chí là thiếu thông tin và quy định của nước ngoài trong đó có các yếu tố liên quan đến tận dụng các FTA và khó khăn trong xây dựng thương hiệu.

Phần lớn vẫn là gia công cho các hãng giày dép nước ngoài, giày dép thương hiệu Việt xuất khẩu còn ít, tỷ lệ nội địa thấp nên có giá trị gia tăng chưa cao” Phó Giám đốc Sở Công Thương dẫn chứng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - Trung tâm Thiết kế và Phát triển sản phẩm - Viện Nghiên cứu Da Giày, các doanh nghiệp tư nhân và làng nghề đều mong muốn đưa sản phẩm của họ ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, họ gặp phải rào cản kỹ thuật lớn, từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng, khiến nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. “Vì vậy, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành da giày trở thành yếu tố then chốt để kiểm soát nguyên liệu đầu vào và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu” - bà Nguyễn Thị Ngọc Mai nói.

Tận dụng các cơ hội từ mở cửa thị trường

Để giải quyết các điểm nghẽn trong sản xuất, xuất khẩu da giày như: Tự chủ nguyên liệu, chuyển đổi công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường… theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, cũng như xuất khẩu bền vững.

Việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất khi tham gia vào hệ sinh thái này.

Ông Nguyễn Công Hân nhấn mạnh, nếu hệ sinh thái được xây dựng thành công, đó sẽ là bệ đỡ toàn diện không chỉ cho ngành da giày của riêng Hải Phòng. Khi đó, Việt Nam sẽ có một ngành sản xuất độc lập, bền vững, không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nước ngoài. Từ đó sẽ tận dụng được tốt hơn nữa lợi thế từ các FTA mang lại.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai cũng cho rằng, việc tham gia hệ sinh thái FTA không chỉ giúp các doanh nghiệp xử lý vướng mắc trong quá trình xuất khẩu, mà còn giúp phát triển sản xuất nguồn nguyên phụ liệu nội địa hóa, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các thị trường quốc tế.

Tuy vậy, theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để hệ sinh thái này vận hành thì trong cơ cấu tổ chức phải có ban điều hành hoạt động theo hình thức như một công ty độc lập, có ban giám đốc, có các phòng, ban. Ban điều hành sẽ là "linh hồn" để điều hành, giúp cho các sáng kiến, các kết nối của các chủ thể đi vào cuộc sống.

Muốn có ban điều hành thì phải có nhân sự, văn phòng, trụ sở, có nguồn tài chính để hoạt động. Bên cạnh đó, để hệ sinh thái hoạt động thì các chủ thể phải làm việc với nhau phải tuân thủ quy định luật lệ.

"Ở đây phải có nguyên tắc, "luật chơi" mà ai vi phạm "luật chơi" đấy sẽ bị loại ra ngoài. Nhưng làm thế nào để đảm bảo các chủ thể tuân thủ quy định đấy cũng là một thách thức, quan trọng hơn là làm sao khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia một cách tự nguyện và hiệu quả? Muốn khuyến khích, đầu tiên phải cho họ thấy lợi ích khi tham gia mô hình" - ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.

Những thách thức chính trong việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường, lao động. Tuy nhiên, nếu thành công, hệ sinh thái mới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả, tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA và tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành da giày.

Nguồn: Báo Công Thương