Tăng cường đưa sản phẩm dệt may, OCOP, thuỷ sản, gỗ vào Thuỵ Điển và Bắc Âu
09/10/2024 30Buổi làm việc giữa Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và đoàn doanh nghiệp VCCI nhằm tăng cường đưa sản phẩm dệt may, OCOP, thuỷ sản, gỗ… vào thị trường Bắc Âu.
Ngày 8/10/2024, tại trụ sở Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia – đã chủ trì buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Buổi gặp gỡ tập trung trao đổi sâu sắc về tình hình thị trường Bắc Âu, cơ hội xuất khẩu cũng như những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua để thâm nhập thành công vào khu vực này. Đoàn công tác gồm các đại diện doanh nghiệp từ nhiều ngành hàng quan trọng như: Thủy sản, dệt may, khoáng sản, xây dựng, cơ khí, và công nghệ thông tin.
Trong buổi làm việc, bà Thúy đã cung cấp bức tranh tổng quan về đặc điểm địa lý, kinh tế và xu hướng tiêu dùng của các quốc gia Bắc Âu. Đặc biệt, bà nhấn mạnh các cam kết quan trọng trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với một số sản phẩm chiến lược của Việt Nam như: Gạo, cà phê, và thủy sản. Ngoài ra, bà Thúy cũng chỉ ra các mặt hàng tiềm năng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Bắc Âu, bao gồm các sản phẩm theo xu hướng mới, có tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh, thị trường Bắc Âu tuy nhỏ nhưng là khu vực tiên phong trong việc tạo ra các xu hướng tiêu dùng mới, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nếu biết tận dụng lợi thế từ EVFTA và nắm bắt nhu cầu thị trường.
Đánh giá thị trường Bắc Âu từ một góc nhìn khác, một trong những cách tư duy truyền thống về việc đánh giá thị trường xuất khẩu tiềm năng thường dựa trên các yếu tố như dung lượng thị trường, sức mua, rào cản gia nhập và mức độ cạnh tranh. Xét theo những tiêu chí này, thị trường các nước Bắc Âu có dung lượng nhỏ, rào cản gia nhập cao và mức độ cạnh tranh khốc liệt. Điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, vốn chủ yếu dựa vào khả năng cung ứng số lượng lớn và cạnh tranh về giá, cảm thấy đây không phải là lựa chọn ưu tiên.
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, Bắc Âu lại là các thị trường “tinh hoa” và “dẫn đầu” trong nhiều xu hướng lớn của thế giới. Họ đi đầu trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe tuổi già, thúc đẩy lối sống chất lượng cao, hài hòa với thiên nhiên, và phát triển bền vững. Các quốc gia này có hệ thống xã hội gắn kết, phúc lợi cao, và đặt trọng tâm vào việc tiêu dùng thông minh, điều này tạo ra tiềm năng cho các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nếu doanh nghiệp biết cách nắm bắt.
“Vì vậy, để nâng cao vị thế xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp không nên chỉ coi Bắc Âu là thị trường nhỏ mà cần nhìn nhận đây là các thị trường “phấn đấu” trọng tâm. Việc xuất khẩu thành công vào Bắc Âu sẽ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng danh tiếng cho hàng hóa Việt Nam trên phạm vi toàn cầu, nhờ vào sức lan tỏa mạnh mẽ từ các thị trường này” – bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã trao đổi về sản phẩm như thủy sản, gỗ, bột giấy, hàng may mặc, sản phẩm OCOP, và đồ uống có cồn, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Thương vụ trong việc kết nối với các đối tác Bắc Âu.
Bà Thúy nhấn mạnh rằng, để đạt hiệu quả trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tích cực sử dụng các công cụ hỗ trợ trực tuyến của Thương vụ như trang web vietnordic.com và Facebook để cập nhật thông tin thị trường và quảng bá sản phẩm tới đối tác tiềm năng.
Nguồn: Báo Công Thương
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024