Tin tức

Hiệp định EVFTA - 'đại lộ' đưa hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào thị trường Pháp

07/10/2024    321

Hiệp định EVFTA đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt Nam gia tăng sự hiện diện tại thị trường Pháp nói riêng và EU nói chung.

Quan hệ hai nước Việt Nam - Pháp đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại hai nước đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019.

Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt Nam gia tăng sự hiện diện tại thị trường Pháp nói riêng và EU nói chung. Hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số xuất khẩu ấn tượng.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc kể từ sau đại dịch Covid. Số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 22 của Pháp, chiếm tỷ trọng 0,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Pháp. Trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 4,807 tỷ đô la Mỹ, giảm 9,9% so với năm 2022.

8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,23 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt 1,18 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023

Trong 8 tháng, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng gồm: Giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan…

Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao.

Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/143 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,81 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa...

Đặc biệt, ông Vũ Anh Sơn cho rằng, với việc EVFTA đi vào thực thi, quan hệ thương mại giữa hai nước đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.

Hiện nay, tiềm năng, dư địa thị trường Pháp vẫn còn rất lớn, song việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp - một trong những nền kinh tế lớn của EU, đòi hỏi các chiến lược toàn diện và bài bản từ phía Việt Nam. Pháp không chỉ là một thị trường có nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn có các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội.

Để tăng cường xuất khẩu sang Pháp, việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn của EU là vô cùng cần thiết. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường của EU. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Pháp mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Song song với việc tuân thủ các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhà cung cấp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng hàng hóa để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và có thể cạnh tranh với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.

Đáng chú ý, việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA là yếu tố then chốt. EVFTA mở ra cơ hội để giảm thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ thông tin về các quy định và lợi ích mà hiệp định mang lại để có thể tối ưu hóa lợi thế này, từ đó thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pháp.

Nguồn: Báo Công Thương