Tin tức

Hợp tác thương mại Việt – Trung: Tăng cường quan hệ với các cấp địa phương

30/09/2024    59

Việc ký kết và thực thi các bản ghi nhớ sẽ góp phần tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Biên giới đường bộ đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Thực hiện chủ trương giữa chính phủ hai nước, Bộ Công Thương Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác thiết thực với các địa phương Trung Quốc thông qua các bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại với chính quyền các tỉnh như Tứ Xuyên (năm 2009), Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Ninh (năm 2019), tỉnh Vân Nam (năm 2022), tỉnh Hải Nam (năm 2024), tỉnh Sơn Đông (năm 2024).

Việc ký kết và thực thi các Bản ghi nhớ này nhằm góp phần tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam với các địa phương tiềm năng của Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và bền vững. Qua đó, tận dụng tiềm năng, ưu thế của mỗi địa phương Trung Quốc để tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hai bên, xúc tiến công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Thông qua các Bản ghi nhớ hợp tác đã thúc đẩy quan hệ chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương Trung Quốc có vị trí địa lý gần gũi với Việt Nam, đặc biệt các địa phương này có vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại tại biên giới với Việt Nam.

Thứ nhất, với tỉnh Quảng Tây, đây là thị trường truyền thống, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa phương duy nhất có đầy đủ các loại hình cửa khẩu biên giới với Việt Nam bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, có các cặp cửa khẩu quan trọng đối với thương mại song phương như Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Móng Cái – Đông Hưng, Tân Thanh – Pò Chài. Quảng Tây cũng là địa phương được Trung ương Trung Quốc xác định là cầu nối quan trọng nhất trong hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và giữa Trung Quốc với ASEAN nói chung.

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy trao đổi thương mại qua các cửa khẩu biên giới giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Tây năm 2023 đã lên tới 41,4 tỷ USD, chiếm 24,1% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước và chiếm 97,2% tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây trong 24 năm liên tiếp và thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam với Quảng Tây chiếm tới trên 95% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của hai nước.

Thứ hai, với tỉnh Vân Nam, đây là địa phương có vị trí quan trọng trong tổng thể hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung, có quy mô thị trường lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng. Hơn nữa, Vân Nam còn là địa bàn quan trọng để Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường phía Tây Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam hiện nay còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm chưa đến 5% thương mại song phương giữa hai nước nên còn nhiều tiềm năng khai thác.

Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam năm 2023 đạt 2,65 tỷ USD, giảm 18,51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của tỉnh Vân Nam tới Việt Nam đạt 1,67 tỷ USD, giảm 36,8%; nhập khẩu của tỉnh Vân Nam từ Việt Nam đạt 973,5 triệu USD, tăng 62,33% so với cùng kỳ năm 2022. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và tỉnh Vân Nam là một trong những cơ sở quan trọng để khai thác tốt hơn tiềm năng và nhu cầu hoạt động thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Thứ ba, với tỉnh Sơn Đông, đây là tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc với GRDP xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 với 101,62 triệu người năm 2023. Bộ Công Thương xác định Sơn Đông là thị trường lớn, nhiều tiềm năng và là cầu nối quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã liên tục tăng cường các hoạt động trao đổi và hợp tác với tỉnh Sơn Đông, trong đó, Bản ghi nhớ hợp tác được ký kết năm 2024 sẽ tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Sơn Đông. Trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông là địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD; đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung.

Thứ tư, với tỉnh Hải Nam, đây là hòn đảo nằm ở phía Nam Trung Quốc, dân số thường trú năm 2023 khoảng 10,4 triệu người. Tuy quy mô dân số không lớn nhưng Hải Nam lại là “Cảng thương mại tự do” lớn nhất của Trung Quốc, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi quan trọng của Chính phủ Trung Quốc. Hải Nam áp dụng một số chính sách ưu việt như: miễn VISA cho công dân 59 quốc gia, thúc đẩy nhiều lĩnh vực như du lịch, thăm thân, vui chơi giải trí; mở rộng các chuyến bay thẳng từ các trung tâm lớn trong khu vực đến Hải Nam; xây dựng khu vực hải quan riêng với mục tiêu mở; thành lập các cửa khẩu, trạm kiểm soát, phần mềm chống buôn lậu, hàng giả...

Bộ Công Thương nói riêng các bộ, ngành khác của Việt Nam đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với tỉnh Hải Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên trao đổi, tìm kiếm các cơ hội hợp tác phù hợp. Đây là địa phương có vị trí địa lý rất gần với Việt Nam và dự kiến sẽ chính thức trở thành Khu ngoại quan trước năm 2025 với hàng hóa nhập khẩu vào Hải Nam đều được hưởng chính sách ưu đãi thuế 0%. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhận định tỉnh Hải Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc nói chung và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng. Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác năm 2024 giữa Bộ Công Thương với tỉnh Hải Nam đã thể hiện minh chứng rõ nét để Việt Nam khai thác thêm các cơ hội mới tại thị trường này.

Để góp phần đảm bảo các thỏa thuận và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc được thực thi toàn diện, đầy đủ trong hiện tại và tương lai, điểm nhấn quan trọng là mối quan hệ tốt đẹp và hữu nghị giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các lãnh đạo Bộ Công Thương nói chung với đại diện lãnh đạo các địa phương của Trung Quốc. Hai bên đã có các cuộc điện đàm, hội đàm và trao đổi thân mật, thẳng thắn tại các cuộc làm việc, góp phần làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc.

Điều đó được thể hiện rõ nét với các cuộc gặp gỡ trong năm 2024. Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm với ông Lưu Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Hội đồng nhân dân) Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có cuộc làm việc tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và làm việc với Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lưu Dũng. Vào tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) Tống Quân Kế. Trước đó, vào tháng 2/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Bí thư tỉnh ủy Hải Nam (Trung Quốc) Thẩm Hiểu Minh và đạt được những đồng thuận quan trọng về xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường… Các hoạt động này được tiếp nối trên cơ sở các cuộc gặp quan trọng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào từ năm 2021 đến nay trong các khuôn khổ song phương và đa phương, sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, thể hiện tình hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa hai nước, hai Bộ và với các địa phương, tạo cầu nối thiết thực cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp