Trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh, Việt Nam có thể nâng cao vị thế kinh tế
30/08/2024 77Không chỉ tác động tích cực đến môi trường, tiềm năng của hydro xanh còn đi kèm cơ hội to lớn về mặt kinh tế. TS. Majo George, Giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ hydro xanh để tiến tới xuất khẩu nguồn năng lượng này.
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội như thế nào với tiềm năng từ hydro xanh?
Hydro xanh (hay còn gọi là hydrogen xanh/GH2) được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện. Đây là giải pháp không phát thải carbon, thay thế cho các phương pháp sản xuất hydro truyền thống dựa vào nhiên liệu hóa thạch.
Hydro xanh là nguồn năng lượng sạch đầy hứa hẹn và đa năng nên sẽ là giải pháp khả thi cho những quốc gia đang phát triển và phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước thời điểm then chốt trong chiến lược năng lượng quốc gia. Vào đầu tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 165/QĐ-TTg. Những mục tiêu mà Chiến lược đặt ra, theo tôi là có tham vọng nhưng cần thiết.
Tôi cho rằng Việt Nam có thể lấy cảm hứng từ Ấn Độ khi vào năm 2023, Ấn Độ đã công bố khởi động “Sứ mệnh Hydro xanh quốc gia”. Bang Kerela - quê hương của tôi - là điển hình thành công không chỉ vì sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió để sản xuất hydro, mà còn tích hợp hydro xanh vào hệ sinh thái phát triển bền vững rộng lớn hơn. Bang này đang tận dụng hydro sản xuất ra để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Chiến lược này không chỉ giảm lượng khí thải carbon mà còn giúp Kerala trở thành địa phương dẫn đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng toàn diện, sẵn sàng cho tương lai.
Nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đang nghiên cứu hydro xanh. Việt Nam có thể hưởng lợi bằng cách nghiên cứu các phương pháp tiếp cận sáng tạo của các quốc gia khác và điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh trong nước.
Phương hướng nào để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mở ra như trên, thưa ông?
Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, do đó dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường và rủi ro địa chính trị. Vì thế, Việt Nam có thể tạo ra năng lượng sạch bằng cách đầu tư vào hydro xanh, tăng cường an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nước ngoài.
Hơn nữa, như tôi nói ở trên, hydro xanh mang lại lợi ích to lớn về kinh tế. Trong khi chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cao đang gây khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, sản xuất hydro xanh trong nước có thể cắt giảm đáng kể những chi phí này, cho phép chuyển hướng các khoản đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện.
Việc thực hiện cũng là một cách để hoàn thành trách nhiệm môi trường của quốc gia. Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Hydro xanh cung cấp giải pháp không phát thải, giúp đất nước đạt được các mục tiêu về môi trường đồng thời cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, lĩnh vực này còn mang lại tiềm năng đổi mới công nghiệp và công nghệ. Bằng cách phát triển lĩnh vực này, Việt Nam có thể xây dựng vị thế là quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng sạch, thu hút đầu tư và chuyên môn toàn cầu. Qua đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Khi cộng đồng quốc tế hướng tới năng lượng bền vững, việc đầu tư sớm vào hydro xanh có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong thị trường đang phát triển này, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Bằng cách trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh, Việt Nam có thể đóng góp vào các nỗ lực bền vững toàn cầu và nâng cao vị thế kinh tế của mình.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Tổng cục Hải quan
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc