Tin tức

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

31/07/2024    252

Tọa đàm Phát triển hệ thống các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ngày 31/7 tới đây, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp tổ chức Tọa đàm Phát triển hệ thống các nhà cung ứng tham gia sâu vào chuỗi giá trị của Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện nằm trong trong chuỗi Tọa đàm về thị trường Hoa Kỳ năm 2024.

Theo Ban tổ chức, chương trình với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam.

Tọa đàm sẽ tập trung chia sẻ thông tin, cập nhật xu hướng chính về tình hình thị trường Hoa Kỳ, đánh giá về triển vọng hợp tác và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, kịp thời phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tham mưu chính sách của Việt Nam.

Dẫn số liệu Ủy ban thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USITC), Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, tính đến hết tháng 5/2024, tổng kim ngạch thương mại Hoa Kỳ đạt 2,154 tỷ USD (tăng 2% so với cùng kỳ 2023), trong đó nhập khẩu đạt 1,302 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kỳ 2023), xuất khẩu đạt 852 tỷ USD (tăng 1,9% so với cùng kỳ 2023). Thâm hụt thương mại ở mức khoảng 450 tỷ USD (tăng 6,1% so với mức 424 tỷ USD cùng kỳ 2023).

Tính đến hết tháng 5/2024, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 54,8 tỷ USD (tăng 15% so với cùng kỳ 2023), trong đó xuất khẩu đạt 50,4 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ 2023), nhập khẩu khoảng 4,3 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ) và thâm hụt thương mại ở mức 46 tỷ USD, đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico; tăng 18% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức tăng trưởng khả quan khi hầu hết các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đều có mức tăng trưởng thấp hoặc dưới 0%.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Thặng dư thương mại đạt 48 tỷ USD đóng góp chung vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam là 12 tỷ USD.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm với kỳ vọng sẽ tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD trong cả năm 2024 và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như: Dệt may, da giày, đồ gỗ và nội thất, điện tử, máy móc thiết bị... với mẫu mã cải tiến và giá thành cạnh tranh sẽ tiếp tục đóng góp vào đà tăng trưởng thương mại hai nước.

Nguyên nhân chủ yếu một phần từ nhu cầu thị trường tăng trở lại, các sản phẩm trong kho đã sử dụng hết cũng như việc “tích trữ” đề phòng những biến động có thể xảy ra trong giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2025 cũng như nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới khi mùa đông và mùa mua sắm đang trở lại.

Đặc biệt trong đó, sau thời gian chững lại, gỗ và sản phẩm gỗ cũng đã tăng trưởng trở lại với tốc độ ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2024 (22,9% trong khi các nước tăng trưởng trung bình 5%). Riêng mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 5 năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023, nước đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách sang Hoa Kỳ và là quốc gia tăng duy nhất trong các cường quốc xuất khẩu.

Trong buổi thảo luận giữa Cơ quan Thương vụ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), phía DOC cho biết chưa ghi nhận các quy định bắt buộc liên quan tiêu chuẩn, quy chuẩn xanh áp dụng đối với mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ (trong đó có mặt hàng dệt may).

Phía DOC cũng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, các nước xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý quy định liên quan Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA), trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch triển khai mạnh mẽ các cam kết về lao động.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ, Thương vụ cho rằng, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm phù hợp; tăng cường giới thiệu Việt Nam, quảng bá hình ảnh quốc gia, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong mọi cơ hội, trên các phương tiện thông tin truyền thông lớn của Hoa Kỳ cũng như liên kết với doanh nghiệp Việt Kiều hỗ trợ công tác thu thập thông tin, mở rộng tiếp cận kênh phân phối sản phẩm để từ đó tạo tính lan toả, kết nối giữa các bang, vùng và địa phương.

Đối với Hiệp hội ngành hàng, Thương vụ khuyến nghị, cần tiếp tục phát triển sản phẩm xuất khẩu theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành; thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.

Khi Hoa Kỳ ngày càng tăng cường siết chặt các biện pháp nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững ký kết năm 2019 để từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, nhập khẩu các mặt hàng mà Hoa Kỳ có thể mạnh như mặt hàng nông nghiệp: Hoa quả, thực phẩm, nguyên liệu bông phục vụ ngành dệt may xuất khẩu...

Nguồn: Báo Công Thương