Tin tức

Quốc gia nào hưởng lợi từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung?

22/05/2024    159

Các nhà sản xuất găng tay cao su của Malaysia được cho sẽ hưởng lợi lớn tại thị trường Mỹ sau khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt mức thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất găng tay cao su của Malaysia được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Cổ phiếu của Top Glove, một nhà sản xuất găng tay cao su lớn ở Malaysia, tăng 30% chỉ trong ngày thứ Tư, đạt mức cao nhất trong gần hai năm qua sau thông tin nói trên. Giá cổ phiếu của các công ty cùng ngành của nước này là Hartalega Holdings và Kossan Rubber Industries cũng tăng mạnh, tương tự như đối thủ Thái Lan Sri Trang Glove.

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Malaysia, họ quan tâm nhiều hơn tới mức thuế áp dụng đối với găng tay cao su dùng trong y tế và phẫu thuật của Trung Quốc, sẽ tăng từ 7,5% lên 25% vào năm 2026.

Nhà phân tích Jack Goh của UOB Kay Hian cho biết trong một báo cáo, việc tăng thuế lên 25% đối với găng tay Trung Quốc sẽ củng cố vị trí dẫn đầu thị trường của ngành găng tay Malaysia và xoa dịu những lo ngại trước đó về việc mất thị phần đối với các nhà sản xuất Trung Quốc do cạnh tranh gay gắt.

Malaysia là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn. Với số lượng lớn lao động nhập cư có chi phí tương đối thấp, đất nước này là nơi có nhiều nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo thường niên của công ty, Mỹ là thị trường trọng điểm, trong đó Bắc Mỹ chiếm 50% doanh thu của Hartalega vào năm ngoái.

Các nhà sản xuất găng tay Malaysia đã tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19 khi nhu cầu về sản phẩm của họ tăng trên khắp thế giới. Nhưng khi đại dịch chấm dứt, nhu cầu giảm sút đã giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất như Top Glove.

Các nhà sản xuất găng tay Malaysia gần đây đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ Trung Quốc, bao gồm Intco, Blue Sail Medical và Zhonghong Pulin. Goh ước tính thị phần toàn cầu của các công ty Trung Quốc đã tăng từ khoảng 7% năm 2019 lên tới 32% vào năm 2023.

UOB Kay Hian tính toán rằng giá bán trung bình trên 1.000 chiếc của các nhà sản xuất Trung Quốc hiện là 17 USD và mức thuế mới sẽ nâng giá lên 19 đến 20 USD ở Mỹ. Điều này giúp các sản phẩm của Malaysia có ưu thế cạnh tranh hơn.

Ngân hàng Đầu tư Maybank của Malaysia đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu Top Glove, thay vì bán như khuyến nghị trước đây. Tương tự, ngân hàng này cũng đưa ra triển vọng lạc quan cho cổ phiếu của Hartalega Holdings.

Tuy nhiên, với mức thuế cao hơn của Mỹ, các nhà sản xuất găng tay Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng sang khai thác các thị trường khác. Điều này cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh mới với các công ty Malaysia ở những nơi như EU hay Nhật Bản.

Nhưng Maybank chỉ ra rằng các nhà sản xuất Malaysia vẫn có thể cạnh tranh. “Mặc dù có nguy cơ các nhà sản xuất găng tay Trung Quốc có thể chuyển trọng tâm sang thị trường châu Âu, chúng tôi tin rằng các nhà sản xuất găng tay Malaysia sẽ có thể cạnh tranh, đặc biệt là sau một vài đợt hợp lý hóa chi phí và ngừng hoạt động trong hai năm qua đã dẫn đến việc hiệu quả chi phí tốt hơn", Maybank nhận định.

Triển vọng đó cũng mở ra một số cơ hội cho các nhà sản xuất găng tay tại Việt Nam. Cũng là một quốc gia sản xuất mủ cao su đáng chú ý, Việt Nam cũng có khả năng cung ứng một lượng đáng kể hàng hóa với giá cạnh tranh hơn cho thị trường Mỹ.

Thực tế, nhiều ông lớn sản xuất găng tay của Malaysia như Top Glove cũng đang xây dựng các nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam. Dự kiến dự án đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, với công suất sản xuất ban đầu khoảng 4,8 tỷ găng tay mỗi năm, sẽ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và Châu Âu, theo kế hoạch ban đầu đưa ra vào năm 2020.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp