Mì ăn liền sẽ được loại bỏ khỏi danh sách bị kiểm tra tần suất khi xuất khẩu sang EU
10/05/2024 245Trong khi mì ăn liền sẽ được loại bỏ khỏi danh sách bị kiểm tra tần suất xuất khẩu sang EU, thì thanh long và đậu bắp đối diện với nguy cơ tạm dừng nhập khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, EU hiện là thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Để nông sản, thực phẩm vào thị trường này, cần đáp ứng yêu cầu gì?
Đầu tiên là các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải đảm tuân thủ các quy định của thị trường EU như quy định về đăng ký danh sách doanh nghiệp, quy định về mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, quy định về mức dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, quy định về sản phẩm phối trộn, quy định về vùng an toàn dịch bệnh, quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở chế biến, quy định IUU, quy định chống phá rừng (EUDR) hoặc các quy định liên quan khác…
Chi tiết quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu nên tham khảo chính thức các cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn.
Hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía Bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp soát.
Tuy nhiên, về yêu cầu nhập khẩu một số sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật vào EU tức là sản phẩm có rủi ro cao phải chịu sự kiểm soát chính thức theo Quy định của Liên minh (EU) 2019/1973, trong đó có Việt Nam.
Quy định 2019/1973 có 3 phụ lục. Phụ lục I: Tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức các sản phẩm tại cửa khẩu, kiểm tra hồ sơ truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên theo tần suất các lô hàng (5%, 10%, 20%, 30%, 50%); Bắt buộc nhà xuất khẩu phải thông báo trước tới cơ quan thẩm quyền theo Quy định (EU) 2019/1013.
Phụ lục II: Các yêu cầu tương tự như phụ lục I kèm theo điều kiện kiểm soát sản phẩm nhập khẩu có điều kiện đặc biệt như giấy chứng nhận của cơ quan quản lý của quốc gia xuất khẩu, kết quả phân tích các mối nguy.
Phụ lục IIa: Tạm đình chỉ (tạm dừng) nhập khẩu vào EU.
Trung bình mỗi tháng, Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật khoảng 100 thông báo dự thảo hoặc thông báo có hiệu lực về các biện pháp về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của Thành viên WTO, trong đó có nhiều thông báo của EU liên quan đến thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh, tiêu chuẩn các chất phụ gia, về vật liệu tiếp xúc với các sản phẩm thực phẩm;…
Thời gian gần đây, do số lượng thông báo dự thảo các biện pháp SPS ngày càng gia tăng, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động sàng lọc và cập nhật kịp thời đến các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, đến các địa phương, hiệp hội ngành hàng.
Việc cập nhật kịp thời các quy định của thị trường sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động trong khâu sản xuất, kiểm soát chất lượng, đáp ứng kịp thời các quy định của thị trường, tránh bị vi phạm dẫn đến bị cảnh báo hoặc trả hàng.
Trong khuôn khổ Phiên họp Ủy ban SPS lần thứ 4 thực thi Hiệp định EVFTA, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của thị trường EU, phía Bạn rất thẳng thắn khuyến nghị: “Để tuân thủ đúng các quy định, các nhà xuất khẩu, cơ sở sản xuất, cần phải hiểu đúng quy định của EU để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU”
Được biết, hiện Việt Nam đang có 5 mặt hàng thuộc diện bị kiểm soát theo Quy định của Liên minh châu Âu (EU) 2019/1973 của EU khi nhập khẩu vào thị trường này, ông có thể thông tin cụ thể về việc này?
Tại thời điểm này, theo quy định (EU) 2024/286 ký ngày 16/01/2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào EU một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, Việt Nam có 5 mặt hàng thuộc diện bị kiểm soát của EU khi nhập khẩu vào thị trường này.
Trong đó, tại Phụ lục I, đối với các mặt hàng chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: Ớt có tần suất biên giới kiểm tra 50%; các loại mỳ, bún, miến, phở dạng khô có gia vị (mỳ ăn liền) có tần suất kiểm tra biên giới 20%; sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Với Phụ lục II, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới thì phải bổ sung chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU, Việt Nam có 2 mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tương ứng là 50% và 20%.
Thông thường, cứ 6 tháng/1 lần EU sẽ họp, xem xét, biểu quyết và quyết định tăng hoặc giảm tần suất hoặc đưa ra khỏi danh sách kiểm soát theo Phụ lục I, Phụ lục II hay Phụ lục IIa như tôi đã chia sẻ ở trên.
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến quy định của thị trường EU do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với DG-SANTE tổ chức với hơn 300 điểm cầu trên toàn quốc tham dự diễn ra ngày 7/5 vừa qua, đại diện DG-SANTE cũng thông báo tin vui đối với Việt Nam là tại kỳ họp vừa qua, căn cứ kết quả rà soát và việc tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mì ăn liền, phía EU dự kiến đưa sản phẩm này ra khỏi danh sách tại Phụ lục I được cập nhật vào tháng 7 tới, tức là các sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu 20% khi nhập khẩu vào EU.
Tuy nhiên, phía Bạn cũng thông báo đối với sản phẩm thanh long và đậu bắp của Việt Nam đang bị kiểm soát theo Phụ lục II với tần suất kiểm tra lần lượt 20% và 50%, dự kiến cập nhật vào tháng 7 tới thì tần suất kiểm tra hai mặt hàng này sẽ tăng lên so với hiện tại lý do thời gian vừa qua, số lượng các lô hàng thanh long xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo.
Hơn nữa, nếu tiếp tục không được cải thiện tức là không kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) và tuân thủ các quy định của EU đối với các sản phẩm này, có thể kỳ rà soát tiếp theo, hai sản phẩm này sẽ đưa vào Phụ lục IIa, EU sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ nhập khẩu mặc dù đây là sản phẩm có nhu cầu rất cao tại thị trường châu Âu.
Đâu là khâu quan trọng nhất để hạn chế thấp nhất rủi ro bị gia tăng tần suất kiểm tra và thậm chí tạm dừng nhập khẩu đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này, thưa ông?
Một sản phẩm nông sản muốn đưa ra thị trường đã khó, mà muốn giữ được thị trường lại càng khó hơn bởi vì thị trường luôn có sự biến động, biến động về chính sách, biến động thị hiếu của người tiêu dùng, biến động về giá, biến động về các quy định nhập khẩu…
Như đã chia sẻ ở trên, để hạn chế thấp nhất rủi ro bị gia tăng tần suất kiểm tra và thậm chí tạm dừng nhập khẩu đối với một số nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần cập nhật, tuân thủ và hiểu đúng các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) và các quy định liên quan của thị trường EU, đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm. Vì đây là các quy định bắt buộc áp dụng.
Quan trọng hơn nữa đó là uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu chúng ta tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Công Thương
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024