"Cơn bão" dư cung thép Trung Quốc đe dọa thép Việt
08/05/2024 814Tình trạng dư cung thép của Trung Quốc không chỉ gây ra căng thẳng thương mại toàn cầu mà còn tạo áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam.
Căng thẳng thương mại
Tình trạng dư cung sản xuất thép của Trung Quốc đã và đang là vấn đề căng thẳng trong một thời gian dài. Thay vì việc hạn chế các hoạt động sản xuất để giải quyết vấn đề trên, Trung Quốc lại tăng thêm nguồn cung thép mặc cho nhu cầu trong nước đang ngày một giảm. Do đó, sự gia tăng xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc đã gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu.
Năm ngoái, xuất khẩu thép thô ròng của Trung Quốc đạt 856,81 triệu tấn, tăng 64,2% so với năm 2022 và xuất khẩu thép đạt 902,64 triệu tấn, tăng 36,2% so với năm 2022, đạt mức cao nhất kể từ năm 2016.
Vào ngày 20/4, Chile, quốc gia có FTA với Trung Quốc, đã công bố mức thuế tạm thời từ 25% đến 34% đối với thép nhập khẩu từ quốc gia này. Sau động thái này, nhà sản xuất thép lớn nhất Chile, Huachipato, đã đi vào hoạt động trở lại. Trước đó, nhà máy này đã thông báo tạm dừng sản xuất vô thời hạn vào ngày 20 tháng 3 vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm thép của Trung Quốc, vốn rẻ hơn khoảng 40%.
Tổng thống Joe Biden gần đây đã kêu gọi tăng thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc từ mức 7,5% lên 25%. Ông nói với các công nhân thép ở Pittsburgh rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc không cạnh tranh mà đang gian lận.
Mexico cũng không nằm ngoài cuộc phản ứng dữ dội này sau khi đưa ra thông báo vào cuối năm ngoái rằng sẽ áp đặt thuế lên gần 80% đối với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Chính sách phản thị trường
Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật quyết liệt để mở rộng ngành công nghiệp thép của mình, với mong muốn đạt được vị thế độc quyền trên toàn cầu.
Vào tháng 9/2016, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) đã thông báo rằng Tập đoàn Baosteel và Tập đoàn Sắt thép Vũ Hán sẽ thực hiện tái cơ cấu và được đổi tên thành Tập đoàn Thép Baowu Trung Quốc, thường được gọi là Baowu. Trong những năm tiếp theo, Baowu liên tiếp mua lại 14 nhà sản xuất thép trên khắp Trung Quốc, trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Những động thái này cho thấy rằng Trung Quốc đang tích cực mở rộng các công ty sản xuất thép lớn được hậu thuẫn bởi Nhà nước và loại bỏ sự cạnh tranh từ các đối thủ tư nhân.
Vào tháng 6/2023, Hiệp hội Thép Thế giới đã công bố số liệu về thép thế giới. Theo dữ liệu sản xuất thép thô năm 2022, trong số 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có 27 công ty thép của Trung Quốc.
Ông Wang He, chuyên gia quốc tế, cho biết: “Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng của thế giới. Sản lượng sản xuất công nghiệp của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cộng lại không bằng Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn tiếp tục phát triển ngành sản xuất công nghiệp của mình thì phải dựa vào ngành thép. Vì vậy, tình trạng dư thừa thép của Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chiến lược.”
Việt Nam cần có giải pháp ứng phó
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, tính chung cả 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép vào Việt Nam đạt 1,28 triệu tấn, tương đương 496,03 triệu USD, tăng 3,4% về giá trị và tăng 2,5% về lượng so với 3 tháng đầu năm 2023. Giá trung bình trong cả 3 tháng đạt 387,4 USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép từ Trung Quốc chiếm tới 69% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, đạt gần 2,81 triệu tấn, với trị giá 1,78 tỷ USD, tăng mạnh 93,9% về lượng và tăng 64,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tràn vào thị trường trong nước đã và đang làm khiến thép Việt Nam bị lép vế, đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó.
Giải thích tình hình này, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết do kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản gần như "đóng băng", dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong nước sụt giảm mạnh. Do đó, Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu thép dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo áp lực lên nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.
Một lý do quan trọng khác khiến lượng thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam là việc loại bỏ các hàng rào kỹ thuật trong quá trình nhập khẩu. Trước đây, theo Thông tư liên tịch số 58/2015/BCT-BKHCN, để được thông quan, thép nhập khẩu phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng khá phức tạp. Tuy nhiên, vào ngày 21/9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 18/2017, hủy bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa từ nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương), đề xuất tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm trong nước. Bởi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines... cũng đang tăng cường hàng rào thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng từ Việt Nam.
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024