Tin tức

Thị trường công nghệ Đông Nam Á "sôi động" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung

06/05/2024    7

Tiếp bước các công ty công nghệ đồng hương tại Đông Nam Á, Microsoft mới đây đưa ra cam kết đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào Indonesia, Malaysia.

Ngày 30/4 vừa qua, Microsoft - gã khổng lồ công nghệ Mỹ - cam kết đầu tư 1,7 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây và hỗ trợ phát triển kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Indonesia. Vài ngày sau, ông lớn công nghệ Mỹ tiếp tục công bố khoản đầu tư 2,2 tỷ USD vào Malaysia.

Động thái này tiếp bước các khoản cam kết đáng chú ý của Nvidia tại Đông Nam Á trong tháng qua, cho thấy một làn sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ Mỹ vào khu vực mới nổi này. Các thị trường mới nổi đang là một phần quan trọng của xu hướng đầu tư công nghệ rộng lớn hơn của Mỹ. Đến nay, Microsoft, Amazon và Alphabet đã cam kết đầu tư tổng cộng hơn 25 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và Internet tại các thị trường này.

Trong số đó, Amazon cho biết vào tháng 3 rằng họ có kế hoạch đầu tư 5,3 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây mới ở Saudi Arabia và đã triển khai 6 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu ở Malaysia. Trong khi đó, Google đang lắp đặt cáp internet dưới biển để kết nối Fiji, Guam và Polynesia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương.

Trên thực tế, ba gã khổng lồ công nghệ Mỹ này đã cam kết nhiều vốn hơn tất cả các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Singapore, UAE, Ấn Độ và Canada cộng lại. Các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu có trụ sở tại EU quản lý chung chưa đến 1/5 tổng số vốn của công ty Mỹ. Theo các báo cáo tài chính, đầu tư hàng năm cho tất cả tài sản và thiết bị của Microsoft, Alphabet và Amazon hiện vượt quá 200 tỷ USD.

Đông Nam Á trong cuộc cạnh tranh “đám mây” Mỹ - Trung

Các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang thống trị cơ sở hạ tầng đám mây toàn cầu, theo Synergy Research Group (SRG). Trong đó, hơn 60% công suất của trung tâm dữ liệu “siêu lớn” trên thế giới và 55% trung tâm dữ liệu siêu quy mô đều do ba gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ nắm giữ.

Hai phần ba trong số 76 tỷ USD mà các công ty chi cho dịch vụ đám mây trên toàn cầu trong quý vừa qua thuộc về Amazon (31%), Microsoft (24%) và Google (11%). Nhưng Mỹ cũng ngày càng cảnh giác với sự vươn lên của các tập đoàn Trung Quốc, đặc biệt là tại Đông Nam Á.

Vili Lehdonvirta, Giáo sư tại Viện Internet Oxford, cho rằng điện toán đám mây đã trở thành một “mặt trận gay gắt” trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung. Ông nói: “Mỹ hiện là cường quốc về cơ sở hạ tầng thống trị trong nền kinh tế kỹ thuật số thế giới”.

Lehdonvirta nhận định rằng Trung Quốc hiện đang cố gắng thách thức sự thống trị đó, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Khoảng 18,5 tỷ USD đã được các công ty Trung Quốc cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kể từ năm 2020.

Trong 5 năm qua, các ông lớn Huawei, Alibaba hay Tencent đã tích cực triển khai các dự án cơ sở hạ tầng số như dịch vụ điện toán đám mây và công nghệ 5G tại ASEAN. Huawei đã đầu tư 300 triệu USD vào Indonesia để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và thiết lập các trung tâm R&D tại Malaysia hay Singapore. 

Trong khi đó, một phần lớn trong khoản ngân sách 1 tỷ USD của Alibaba Cloud tập trung vào việc mở rộng các trung tâm dữ liệu tại Singapore, Indonesia và Malaysia trong chiến lược toàn cầu của công ty này. Còn Tencent từ lâu đã hiện diện tại Đông Nam Á, nơi gã khổng lồ ngành dịch vụ trực tuyến đã mở rộng dịch vụ điện toán đám mây của mình tại Việt Nam và Indonesia.

ASEAN hiện là nền kinh tế internet lớn thứ ba thế giới, với hơn 480 triệu người dùng internet, trong đó 80% là người tiêu dùng kỹ thuật số. Giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đã đạt 300 tỷ USD vào năm 2022 và ước tính đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo một báo cáo của Google và Bain&Co. Với hơn 1/4 người dân ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa có quyền truy cập Internet, các công ty công nghệ hàng đầu nhìn thấy nhiều cơ hội để đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác các dịch vụ kỹ thuật số.

Mỹ vẫn dẫn trước tại Đông Nam Á

Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài vào ASEAN của các công ty công nghệ lớn của Mỹ vẫn dẫn đầu so với các đối tác Trung Quốc.

John Dinsdale, Giám đốc nghiên cứu tại SRG, cho biết các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc có xu hướng nhỏ hơn so với đầu tư trong nước và chỉ tập trung vào Trung Đông, Mỹ Latinh và chỉ một phần của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. “Họ đang cạnh tranh ở một số thị trường nhỏ có chọn lọc, nhưng tôi sẽ không coi đó là mối đe dọa lớn đối với những công ty quy mô lớn của Hoa Kỳ,” ông nói thêm.

Nhu cầu về sức mạnh tính toán và lưu trữ dữ liệu sẽ còn tăng cao hơn nữa khi sử dụng AI. Trong 5 năm tới, người tiêu dùng và doanh nghiệp dự kiến sẽ tạo ra lượng dữ liệu nhiều gấp đôi so với tất cả dữ liệu trong thập kỷ qua. Điều này dự kiến sẽ khiến dung lượng lưu trữ toàn cầu trong các trung tâm dữ liệu tăng gấp đôi lên 21 zettabyte vào năm 2027.

Mặc dù đó là tín hiệu vui về kinh tế, nhưng một số chuyên gia cảnh báo các nước nhỏ như các thành viên ASEAN cần cảnh giác khi bước vào ranh giới giữa việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ dữ liệu trong nước và việc bị cuốn vào cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ngày càng phức tạp.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp