Tin tức

“Thỏi nam châm” BRICS

04/05/2024    26

Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Điều đó cho thấy sức hút của khối ngày càng gia tăng trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường.

Mới đây, theo TASS, Đại sứ Sri Lanka tại Nga Janita Abeywickrema Liyanage thông báo về kế hoạch gia nhập BRICS của nước này. “Sri Lanka đang có kế hoạch tham gia BRICS trong thời gian tới. Điều này sẽ cho phép Sri Lanka bảo đảm an ninh vận tải và lương thực”, bà Liyanage nhấn mạnh với các phóng viên. Trong cuộc hội đàm gần đây với người đồng cấp Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Tổng thống Colombia Gustavo Petro bày tỏ mong muốn nước này sẽ gia nhập BRICS với tư cách là thành viên chính thức càng sớm càng tốt. Ông Lula da Silva đã hoan nghênh quyết định này và cam kết sẽ thúc đẩy quá trình ứng cử của Colombia.

Trước Sri Lanka và Colombia, các nước như Nigeria, Bahrain, Venezuela, Pakistan... cũng công bố kế hoạch gia nhập BRICS. Một bằng chứng khác cho thấy khối này thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia là Hội nghị BRICS về an ninh tài chính tại thành phố Nizhny Novgorod (Nga) vào ngày 24-4 vừa qua. Tham dự sự kiện ngoài đại diện các nước thành viên BRICS còn có các đại biểu từ Ai Cập, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Congo, Cuba, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Venezuela, Mexico.

Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập BRICS. Khối này lần đầu tiên mở rộng thành viên vào năm 2011, khi Nam Phi gia nhập khối. Hồi tháng 1 năm nay, BRICS chính thức có thêm 5 thành viên mới bao gồm: Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ethiopia.

Theo RT, vào ngày 1-1 năm nay-ngày đầu tiên Nga đảm nhận chức Chủ tịch BRICS luân phiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo khoảng 30 quốc gia sẵn sàng tham gia khối dưới các hình thức khác nhau. Ông Putin cho rằng việc Ai Cập, Iran, UAE, Saudi Arabia và Ethiopia gia nhập BRICS với tư cách thành viên đầy đủ là minh chứng thuyết phục về vị thế, vai trò ngày càng tăng của khối trong các vấn đề thế giới. “BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và những nước có cùng chí hướng-những quốc gia có chung những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các hoạt động của mình. Đó là bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng lựa chọn con đường phát triển, xem xét đến các lợi ích của nhau, cởi mở, đồng thuận, mong muốn hình thành trật tự thế giới đa cực, hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, tìm kiếm các giải pháp chung trước những vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta”, ông Putin nhấn mạnh. Trong bài phát biểu tại Liên hoan Thanh niên thế giới ở thành phố Sochi hồi tháng 3 vừa qua, ông chủ Điện Kremlin khẳng định BRICS đã trở thành một khối hùng mạnh, quyền lực, hấp dẫn và là “thỏi nam châm” thu hút nhiều quốc gia.

Một trong những điều kiện chính để các ứng cử viên gia nhập BRICS là ủng hộ chính sách đa cực. Ông Yuri Ushakov, Trợ lý Tổng thống Nga, nêu rõ: “Điều kiện không thể thiếu là ủng hộ các nguyên tắc đa cực và tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu”. Ngoài ra, khi thảo luận về các ứng cử viên, sức nặng chính trị và kinh tế của một quốc gia cụ thể sẽ được tính đến, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.

Phó giáo sư Học viện Quan hệ Lao động và Xã hội Nga Pavel Feldman nhận định, trong tương lai, BRICS dự kiến sẽ có một số đợt mở rộng do các quốc gia Mỹ Latin, Trung Đông và Đông Nam Á muốn gia nhập khối. Ông Feldman cho biết: “BRICS thu hút các nước này bằng tiềm năng đầu tư và triển vọng thiết lập quan hệ kinh tế-thương mại cùng có lợi”. Theo ông Feldman, những nước đăng ký làm thành viên BRICS cần tuân thủ luật pháp quốc tế, có tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt và tôn trọng lợi ích của các đối tác.

Về phần mình, nhà khoa học chính trị Alexander Asafov cho rằng có nhiều lý do khiến BRICS ngày càng trở nên hấp dẫn. Ông Asafov đánh giá: “Chúng ta thấy mối quan hệ đối tác cùng có lợi đang được thiết lập như thế nào theo logic của một thế giới đa cực.

Có sự xích lại gần nhau giữa các quốc gia và sự gia tăng kim ngạch thương mại. Quan trọng nhất, trên nền tảng BRICS, các thỏa thuận thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nhiều quốc gia hiểu rằng tương lai trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng chính là không có áp lực từ các đại diện của một thế giới đơn cực. Do đó, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia BRICS và bày tỏ mong muốn về tư cách thành viên”. Ông Asafov lưu ý, mặc dù không phải lúc nào các thành viên BRICS cũng thống nhất quan điểm về một số vấn đề, nhưng nền tảng chung với các kế hoạch phát triển của khối sẽ giải quyết những mâu thuẫn này và mang lại cơ hội hợp tác lớn.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân