Tin tức

Cách nào khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn Việt Nam?

04/05/2024    7

Ngành bán dẫn đang chứng kiến cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên khắp thế giới, từ thu hút đầu tư cho tới xây dựng nguồn nhân lực. Vậy Việt Nam có thể tham gia như thế nào trong cuộc đua này? 

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Công, Quản lý cấp cao tại Công ty Cung cấp thiết bị bán dẫn Applied Materials (Mỹ) xung quanh vấn đề này.

Ông nghĩ sao về cơ hội của Việt Nam khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ mới đây công bố các khoản đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn Malaysia hay Indonesia?

Trong xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các công ty, Việt Nam cũng nằm trong số điểm đến mà các nhà đầu tư xem xét ngoài Trung Quốc. Điều này càng rõ rệt hơn khi năm ngoái, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó phát triển công nghiệp bán dẫn là một trong những nội dung hợp tác chiến lược.

Thực tế, Việt Nam vẫn đang là cứ điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên toàn cầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn Hoa Kỳ, như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn…

Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn, công nghệ cao. Về nhân lực, người Việt Nam rất thông minh, rất giỏi các môn toán học, hóa học và các môn tư nhiên (STEM).
Một điểm mạnh khác là Việt Nam cũng có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng… để cung cấp nguồn nhân lực tốt cho ngành bán dẫn.

Nhưng nhiều ý kiến chỉ ra, việc nắm bắt cơ hội đón làn sóng này không phải dễ vì nó diễn ra với tốc độ rất nhanh, sức cạnh tranh cũng rất lớn. Quan điểm của ông ra sao?

Đúng vậy! Sản xuất chip không dễ dàng và đang có cuộc “chạy đua” trên thế giới trong lĩnh vực này. Gần như mọi quốc gia, bao gồm cả nước phát triển hay đang phát triển, cũng đều muốn thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Họ cũng không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và rót số tiền rất lớn để cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Mặt khác, tốc độ thay đổi của làn sóng này cũng rất nhanh. Nếu chúng ta chậm chân và không có chiến lược rõ ràng trong 2-3 năm tới thì khi đó hệ thống chuỗi cung ứng mới sẽ hình thành, và rất khó cho Việt Nam có thể gia nhập vào hệ thống.

Vì thế, trong cuộc đua này, Việt Nam cũng phải tăng tốc thực hiện các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, từ đó tăng sức hút với các nhà đầu tư công nghệ cao.

Vậy theo ông, “chìa khóa” để Việt Nam thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn là gì?

Tôi cho rằng, có nhiều “chìa khóa” để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng trong đó, chuẩn bị nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng. Tiếp đến là phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Các khoản đầu tư sẽ rất lớn, nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với các trường đại học và có thể chung tay với cả doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị.

Theo tôi, cần tập trung đầu tư vào một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tầm cỡ quốc gia, tránh đầu tư nhỏ và dàn trải.

Các nhà hoạch định chính sách cần xác định trong tương lai lâu dài chúng ta cần phát triển 1 hệ sinh thái về bán dẫn gồm có thiết kế, sản xuất, đóng gói kiểm thử và nghiên cứu công nghệ mới. Trong đó, chúng ta có thể bắt đầu với 1 hoặc 2 mũi nhọn, nhưng cần có sự chuẩn bị song song ngay từ đầu để có thể phát triển hệ sinh thái.

Với điều kiện hiện tại của mình, Việt Nam nên đi theo lộ trình như thế nào, thưa ông?

Từ các bài học trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia cho ngành công nghiệp bán dẫn với lộ trình rõ ràng về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn, trong vòng 1 – 5 năm tới, cần chú trọng kêu gọi hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp công nghệ quốc tế để chuyển giao công nghệ. Trong những năm đầu, Việt Nam có thể tập trung vào chuyển giao những công nghệ cũ hơn, nhưng tập trung vào những ứng dụng mới mà vẫn có thể sản xuất trên nền chip với công nghệ cũ. Ví dụ các loại sensor tiên tiến, thiết bị IoT, AI on the edge, SoC chips cho xe điện.

Nghiên cứu các loại công nghệ có tính ứng dụng cao cho Việt Nam và thị trường Đông Nam Á cũng là một hướng đi tốt. Ví dụ các loại thiết bị cho nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thuỷ sản, thiết bị cho an ninh, quốc phòng khi độ bảo mật cao hay bí mật quốc gia là một yêu cầu cấp thiết.

Ngoài việc gia công lắp ráp, Việt Nam cần tìm những cửa ngách có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng bán dẫn, nơi mà chúng ta có thể mạnh cạnh tranh riêng để khai thác.

Ví dụ trong mảng sản xuất, có tới 60-70% vốn đầu tư xây nhà máy được sử dụng để mua máy sản xuất chips. Các công ty bán máy móc sản xuất lớn như Applied Materials (Mỹ), ASML (Hà Lan)… dành ra tới hơn 30 tỷ USD để mua các thiết bị cơ khí và cơ khí chính xác, đồ điện, bảng điều khiển, động cơ, robots… Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này, có thể bắt đầu từ điện và cơ khí chính xác.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp