Tin tức

"Cuộc chiến" xe điện EU - Trung Quốc thêm căng

04/05/2024    19

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có nguy cơ bị áp thuế cao hơn do không hợp tác với cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU).

Các hãng xe điện Trung Quốc bất hợp tác

Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo BYD, SAIC và Geely rằng sự thiếu hợp tác của họ sẽ khiến châu Âu có cớ để áp đặt các hình phạt cao hơn. Theo Politico, EC đã thông báo tới ba nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu Trung Quốc rằng họ chưa cung cấp đủ thông tin cho cuộc điều tra trợ cấp mà EU đang tiến hành.

Theo các chuyên gia, cảnh báo này có thể mở đường cho các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn của EU đối với một lĩnh vực mũi nhọn của Trung Quốc.

Các bức thư gửi tới các nhà sản xuất xe điện BYD, SAIC và Geely trong ngày 23 tháng 4, đều đưa ra kết luận giống nhau: bộ ba này đã không cung cấp đủ thông tin về trợ cấp Nhà nước của Trung Quốc, hoạt động và chuỗi cung ứng.

EC cho biết, việc không có những thông tin đầu vào này có nghĩa là họ sẽ cần phải quay lại khái niệm “sự thật có sẵn”. Trên thực tế, điều này thường có nghĩa là EU có toàn quyền áp đặt mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Cuộc điều tra thương mại chống lại ngành xe điện Trung Quốc do Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khởi xướng năm ngoái trong bối cảnh các nhà sản xuất công nghệ xanh của Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế và lấn át các đối thủ châu Âu, từ xe điện cho đến tấm pin mặt trời, hay tua bin gió. Động thái này được diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Pháp trong điểm dừng chân đầu tiên của chuyến công du châu Âu.

3 công ty hàng đầu Trung Quốc chịu đòn

Ba công ty xe điện của Trung Quốc đang bị điều tra vì bị cáo buộc nhận trợ cấp Nhà nước để sản xuất xe điện, có khả năng tạo ra lợi thế không công bằng ở thị trường EU so với các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Trường hợp chống trợ cấp như vậy thường dẫn đến thuế đánh vào các hàng hóa được nhập khẩu vào EU. EU dự kiến sẽ công bố quyết định về thuế tạm thời vào đầu tháng 7/2024. Thuế sẽ áp dụng đối với tất cả xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, mặc dù EU có thể quyết định điều chỉnh tỷ lệ phần trăm cho mỗi nhà sản xuất.

Ba bức thư nêu rõ cách EC yêu cầu thông tin về hoạt động, dự báo doanh số và nguồn cung cấp của công ty. Một khiếu nại thường xuyên là ba công ty liên tục tuyên bố rằng các công ty cung cấp không cần phải điền vào bảng câu hỏi trợ cấp.

Theo EC, SAIC tuyên bố rằng họ không thể kiểm soát các nhà cung cấp của mình nên không thể buộc họ gửi bảng câu hỏi về “việc cung cấp vốn, các khoản vay, bảo lãnh hoặc bất kỳ hình thức tài trợ nào khác”.” 

EC đã gửi thư vào cuối năm ngoái để phàn nàn về sự thiếu hợp tác của SAIC. Hợp tác với Volkswagen từ năm 1984, SAIC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và có mối liên hệ mật thiết với châu Âu. Trong số 9 nhà máy mà liên doanh vận hành có một nhà máy gây tranh cãi ở Tân Cương.

Trong khi BYD và Geely giữ im lặng, một trong số các công ty Trung Quốc đã phản bác lại EC và lập luận rằng họ đã thông báo đầy đủ cho Brussels.

“Lượng thông tin và dữ liệu được cung cấp cho đến nay đã đủ để tính toán số tiền trợ cấp. Do đó, việc EC áp dụng quy định của mình để xác định trợ cấp là vô căn cứ và không cần thiết”, SAIC đã trả lời và được Politico trích dẫn.

Hiện nay, EU áp dụng mức thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% đối với ô tô, bao gồm cả xe điện (EV) và có khả năng con số này sẽ cao hơn nếu EU chứng minh được xe điện Trung Quốc được trợ cấp không công bằng.

Tuy nhiên, mới đây, các nhà phân tích tại Rhodium Group kết luận trong một báo cáo rằng các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cạnh tranh đến mức họ vẫn có lãi ngay cả khi EU áp dụng thuế nhập khẩu 15-30%. Báo cáo cho biết cần phải áp dụng mức thuế cao tới 50% mới có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho phía Trung Quốc.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp