Nguy cơ xung đột tua bin gió EU – Trung Quốc
12/04/2024 127Các quan chức EU đang hình thành ý tưởng nhằm thúc đẩy các hạn chế mới nhắm vào ngành sản xuất tua-bin gió của Trung Quốc.
Sau khi phát động cuộc điều tra trợ cấp xe điện của Trung Quốc vào năm ngoái, EU dường như đang chuẩn nhắm tới tua-bin gió của Trung Quốc.
Ngày 9/4, nguồn tin độc quyền của Politico cho biết, Giám đốc phụ trách cạnh tranh của EU Margrethe Vestager, sẽ tiến hành một cuộc điều tra về lĩnh vực tuabin gió đang phát triển nhanh và ngày càng chiếm ưu thế của Trung Quốc theo Quy định trợ cấp nước ngoài mới của EU.
Động thái này diễn ra khi nỗi lo của Mỹ và châu Âu về việc Bắc Kinh nắm quyền thống trị thị trường toàn cầu về tấm pin mặt trời ngày càng gia tăng, đe dọa tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.
Từng dẫn đầu về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng Châu Âu dần chứng kiến sự thụt lùi trước sự nở rộ của các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc từ năm 2018. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành năng lượng gió, bao gồm Vestas của Đan Mạch và Siemens Gamesa của Đức, báo cáo đã bị thiệt hại hàng tỷ USD buộc họ phải cắt giảm chi phí mạnh mẽ.
Các sản phẩm năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã thống trị thị trường EU, chiếm hơn 90% tổng số tấm pin mặt trời được triển khai trong khu vực. Để so sánh, các tấm pin mặt trời do Đức sản xuất đắt hơn khoảng 40%, do chi phí đầu vào cao hơn.
Về mặt lý thuyết, EU coi Trung Quốc là đối tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng theo Politico, thực tế thương mại song phương lại tiềm ẩn những cơn sóng ngầm.
Theo quan điểm của EU, Trung Quốc đã đối phó với nhu cầu nội địa yếu bằng các khoản trợ cấp lớn của nhà nước, góp phần tạo nên tình trạng dư thừa công suất – từ xe điện đến tấm pin mặt trời – và đe dọa tới nền kinh tế của EU trong bối cảnh khối này đặt quá trình chuyển đổi xanh lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Hiệp hội ngành này đã cảnh báo nếu EU không có hành động ngay lập tức, chẳng hạn như áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, một nửa công suất của ngành có thể đóng cửa trong vòng vài tuần và thách thức các mục tiêu của EU về chuyển đổi năng lượng và tự chủ công nghiệp.
Sự gần gũi của Trung Quốc với Nga – đối thủ lớn của EU – cũng là điều Brussels cảm thấy cần cảnh giác với nguồn cung từ Bắc Kinh.
Những bước đi tiếp theo
Theo Politico, Vestager dự kiến sẽ đưa ra ý tưởng sử dụng rộng rãi hơn cái gọi là bộ đánh giá độ tin cậy, bao gồm những tiêu chí dự kiến liên quan tới an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quyền lao động và dấu chân môi trường.
Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa thị trường tua-bin gió toàn cầu. Trong khoảng thời gian 4 năm, thị phần lắp đặt trên toàn thế giới của Trung Quốc đã tăng từ 37% lên hơn 55% vào năm 2022. Trong khi đó, các công ty châu Âu chứng kiến thị phần giảm từ 55% xuống 42% trong cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự mở rộng nhanh chóng đó đến từ sự trợ cấp của nhà nước Trung Quốc.
Joseph Webster, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức nghiên cứu cho biết: “Tổ hợp năng lượng gió của Trung Quốc là đối tượng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp trực tiếp và gián tiếp trên toàn bộ chuỗi giá trị, như thép và đóng tàu cần thiết cho việc lắp đặt tua-bin gió.
Mặc dù còn đang giai đoạn ý tưởng, nguy cơ EU ngăn chặn tuabin gió có nguồn gốc Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới Việt Nam qua nhiều khía cạnh khác nhau.
Một mặt, Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức tương tự từ các chính sách như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU, nhằm giảm thiểu rủi ro rò rỉ carbon và thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon của châu Âu.
Hiện tại, CBAM tập trung vào các ngành công nghiệp chính như sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, nhưng có thể mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác trong tương lai, bao gồm cả ngành năng lượng tái tạo như điện gió.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận cơ hội từ việc này. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng và công nghệ của sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn của thị trường EU.
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024