Tin tức

Sẽ có giải pháp quản lý các khoản phụ thu của các hãng tàu nước ngoài

27/03/2024    31

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết là đã tham mưu cho Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính bổ sung phụ thu của hàng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Đây là một trong những nội dung trong công văn vừa được Cục Hàng hải Việt Nam gửi tới Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam liên quan đến tăng cường quản lý phụ thu của các hãng tàu nước ngoài.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hãng tàu, chủ hàng trong quá trình vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đáp ứng 100% sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển; chỉ đạo các cảng vụ hàng hải thực hiện một số nhiệm vụ, tạo thuận lợi cho tàu thuyền, hàng hoá ra vào hoạt động tại cảng: Đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi Châu Âu, Châu Mỹ.

Ngày 25/12/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024. Ngoài ra, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng cường công tác quản lý, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng và đề xuất cơ quan có thẩm quyền liên quan bổ sung cơ chế tăng cường quản lý phụ thu của các hãng tàu.

Liên quan đến giải pháp tăng cường quản lý phụ thu của các hãng tàu nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, Bộ GTVT cho biết là Bộ Tài chính là cơ quản chủ trì quản lý giá. Hiện nay Luật Giá năm 2023 đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024, trên cơ sở đó Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Để tăng cường công tác quản lý giá các loại phụ thu của hãng tàu, Bộ GTVT đã đề xuất Bộ Tài chính bổ sung phụ thu của hàng tàu đối với hàng hoá container vào đối tượng kê khai giá trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Giá năm 2023.

Theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP thì giá phụ thu của hãng tàu đối với hàng hóa thuộc danh mục niêm yết giá; hãng tàu tự quyết định các loại phụ thu và mức giá, trong trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá, hãng tàu phải niêm yết trước 15 ngày trước khi áp dụng mức giá mới.

Việc niêm yết giá không quản lý được tình trạng các hãng tàu tăng giá và tăng các loại phụ thu như hiện nay. Một số loại phụ thu không phản ánh đúng chi phí giá thành, ví dụ phụ thu chứng từ, hãng tàu đang thu với giá 800.000-900.000/bộ.

“Sau khi "Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển" được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, các hãng tàu khi áp dụng phụ thu giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển phải nộp kê khai với cơ quan quản lý, trường hợp thay đổi mức giá phải xây dựng cơ cấu giá thành và báo cáo cơ quan quản lý. Với cơ chế này sẽ tăng cường công tác quản lý phụ thu của hãng tàu”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông tin.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết là theo quy định hiện nay, hãng tàu cung cấp dịch vụ vận chuyên hàng hóa container băng đường biển khi hoạt động tại Việt Nam không phải đăng ký tuyến vận tải cố định, do đó việc mở tuyến, hủy tuyến, bổ sung hay rút tàu đều do hãng tàu tự quyết định.

Trong thời gian qua đã có nhiều trường hợp hãng tàu bỏ chuyến, chậm chuyến ảnh hưởng đến lịch trình vận tải và kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế quản lý tuyến vận tải cố định vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải theo hướng yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển Việt Nam theo tuyến cố định phải thực hiện đăng ký tuyến.

“Việc đăng ký và quản lý tuyến vận tải góp phần bảo đảm các hãng tàu thực hiện vận tải theo đúng lịch trình và kế hoạch vận tải. Đồng thời, việc quản lý tuyến giúp cơ quan nhà nước điều tiết được hoạt động của cảng biển để phù hợp với công suất được quy hoạch”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.

Nguồn: Báo Đầu Tư