Tin tức

Nỗi lo kinh tế ASEAN, Việt Nam có ngoại lệ?

22/03/2024    132

Các nghiên cứu xã hội học mới đây cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á, lợi tức nhân khẩu học đang giảm mạnh. Nhiều nền kinh tế đối diện với nghịch cảnh chưa giàu đã già.

Lợi tức nhân khẩu học đề cập đến sự tăng trưởng trong một nền kinh tế là kết quả của sự thay đổi cơ cấu dân số. Ví dụ, Khi tỉ lệ sinh ít hơn, với ít người phụ thuộc hơn và nhiều người trong lực lượng lao động hơn, các nguồn lực của nền kinh tế được giải phóng và được đầu tư vào các lĩnh vực khác để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

Tuổi nghỉ hưu tại Đông Nam Á thấp hơn ở phương Tây từ một đến vài năm. Năm 2019, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên tại khu vực này là 7%. Theo các thang đo toàn cầu, vượt qua mức này có thể coi là xã hội đang già hóa, hay “kinh tế bạc”.

Vào năm 2043, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Đông Nam Á ước tính là 14%. Nếu lúc này các nền kinh tế không thể giàu thì vĩnh viễn mất đi cơ hội. Tiến trình này đã và đang diễn ra tại Nhật Bản khiến nước này rất khó tìm lại thời kỳ tăng trưởng hoàng kim như trước đây do chi tiêu an sinh xã hội hàng năm ngốn hết 25% GDP.

Việt Nam không hề ngoại lệ, một mặt đối diện với tình trạng già hóa dân số, mặt khác bị thu hút nguồn lực từ các nước phát triển. Việt Nam đang là nguồn cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất cho Nhật Bản, với hơn nửa triệu người. Ngoài ra, lao động Việt Nam còn đến Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ.

Tokyo Shoko Survey, cơ quan đánh giá tín dụng doanh nghiệp tại Nhật Bản cho hay, số vụ phá sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quốc gia này đã tăng 30%, do rất nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là thiếu lao động.

Tình hình nhân khẩu học Việt Nam đang diễn biến theo hướng bất lợi, tỷ tệ người phụ thuộc bắt đầu tăng từ năm 2015, sẽ vượt ngưỡng 50% trong giai đoạn 2035 – 2045, sau đó đạt mốc 80% đến cuối thế kỷ này.

Tỷ lệ người trên 65 tuổi liên tục tăng từ thập niên 50 thế kỷ trước, sẽ đạt đến 20% vào năm 2045, tiệm cận 30% từ 2055 trở đi. Trong khi đó, tỷ lệ người trẻ phụ thuộc đang giảm đến mức ổn định khoảng 30% từ thời điểm này đến cuối thế kỷ 21.

Độ tuổi lao động lý tưởng nhất trong khoảng 15 - 64 tuổi đạt đỉnh 70% trong thời kỳ 2010 - 2015, sẽ giảm dần về 55% đến năm 2100. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ nhi đồng, thiếu niên (0-14 tuổi) giảm mạnh từ năm 1970 đến nay. Như vậy, nền kinh tế sẽ không được bổ sung lực lượng lao động đồi dào như trước đây.

Thời điểm này, Việt Nam đang bắt đầu trượt qua nửa cuối của khoảng thời gian “lợi tức nhân khẩu học”. Giai đoạn này từ năm 2005 đến 2040, chúng ta chỉ ở trong thời điểm lý tưởng này chưa đầy 15 năm nữa, sau đó sẽ rơi vào “trạng thái Nhật Bản”.

Nhân loại đã có giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế nhân lực cơ bắp, điển hình là robot công nghiệp. Tỷ lệ robot công nghiệp/công nhân ngày nay được coi là chỉ số quan trọng đánh giá tương lai nền kinh tế.

Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch hiện đại hóa nền sản xuất. Theo nghiên cứu của WB, công bố cuối năm 2021, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp