Tin tức

Thương mại Việt Nam-Australia tăng trưởng bền vững nhờ 'bàn đạp' FTA

04/03/2024    81

Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.

Hai nước Việt Nam - Australia thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Sau hơn nửa thế kỷ, hai nước đã đạt được sự hợp tác ngày càng toàn diện, sâu sắc; quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng đã và đang phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, từ năm 2018 trở lại đây khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, quan hệ hợp tác đã chuyển sang một giai đoạn mới toàn diện và thực chất hơn, đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Quy mô thương mại liên tục gia tăng

Quy mô thương mại song phương Australia - Việt Nam liên tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác một số hiệp định thương mại đa phương. 

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN Australia - New Zealand (AANZFTA).

Nếu Hiệp định CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.

Năm 2022, thương mại song phương 2 nước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều đạt gần 14 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022. 

Việt Nam đã cấp gần 78.000 bộ Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AANZ tăng 13,52% so với năm 2021, trị giá hơn 2,5 tỷ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD, với tỷ lệ tận dụng C/O là 39,28%. Các mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AANZFTA trên 80% bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (96,9%); giày dép (gần 100%); cao su và các sản phẩm từ cao su (83,26%); sản phẩm dệt may (85,36%).

Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Austria năm 2022. 

Tỷ trọng này cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hàng thủy sản Việt Nam sang Australia nhờ mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp và các hiệp định FTA với thị trường này gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP. Đặc biệt, sau Hiệp định CPTPP, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%.

Hạt điều Việt Nam cũng là nhà cung cấp số 1 cho Australia đối với hạt điều (99%) và hạt tiêu (gần 30%).

Đặc biệt, Australia đang là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới trong năm 2022 và đang gia tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là các nước đang đứng đầu. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Australia tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD. Ngoài ra, về dày dép, xuất khẩu sang Australia đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% (2022) hay dệt may cũng đạt 449,7 triệu USD; tăng 27,4% (2022).

Với những số liệu trên, năm 2023, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia).

Đặc biệt, hiện nay Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.

Xuất khẩu đầu năm 2024 tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023

Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ 2023.

Các sản phẩm hàng hoá Việt Nam xuất sang Australia có tỷ trọng lớn nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mì, kim loại, rau quả…

Đặc biệt, trong tháng 1/2024 nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam dù kim ngạch xuất sang Australia còn khiêm tốn song đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ như: Cà phê (+483,3%), sắt thép các loại (+386,7%), giấy và các sản phẩm từ giấy (+165,9%), gạo (+84,9%)…

Có thể nói, đạt được những kết quả trên là nhờ Chính phủ hai nước đều quan tâm, coi kinh tế - thương mại là một trong ba trụ cột, và là trụ cột số 1 trong Chương trình hành động đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2023. 

Theo đó, trên nền tảng 3 hiệp định mậu dịch tự do đa phương mà hai nước đều là thành viên (AANZFTA, CPTPP và RCEP), lần đầu tiên hai bên thống nhất và công bố Kế hoạch triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) do Thủ tướng hai nước công bố hồi tháng 11/2021 với các biện pháp cụ thể, có thời hạn rõ ràng đến năm 2025. 

Trên cơ sở những kết quả hợp tác thương mại mà hai nước đạt được trong thời gian qua, chúng ta có cơ sở để lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại. Hai nền kinh tế có sự bổ sung cao, trong đó Việt Nam mạnh về đồ điện tử, máy móc, dệt may, giày dép; Australia có nhiều tài nguyên, nhiên liệu chất lượng cao.

Thị trường Australia có rào cản kỹ thuật rất cao

"Sản phẩm hàng hoá của Việt Nam phong phú, đa dạng; một số sản phẩm Việt Nam đã tiếp cận được thị trường và khẳng định được thương hiệu, chất lượng như: thuỷ sản, hạt tiêu, dệt may, đồ da giầy…). Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng đang ghi nhận mức kim ngạch tăng trưởng mạnh những năm gần đây và có tiềm năng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia trong thời gian tới như bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc (+89%), gạo (+19,1%), clanke và xi măng (+119,7%)...," ông Nguyễn Phú Hòa nhận định.

Tại thị trường này, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Bên cạnh đó, nông sản còn chịu sự cạnh tranh lớn của các nước khác tại thị trường Australia.

Bộ Công thương lưu ý, để tận dụng được cơ hội từ các FTA đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các tiêu chuẩn, bao bì sản phẩm, cải thiện về quy trình sản xuất, đáp ứng các cái tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu…

Đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, sẽ tiếp tục chủ động các công tác nắm bắt cập nhật thông tin thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (AANZFTA, CPTPP, RCEP) thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, triển khai các giải pháp phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hợp tác với đối tác của Australia, đặc biệt Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), tổ chức các chương trình làm việc, trao đổi, qua đó xây dựng các cơ chế hợp tác song phương, góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác thương mại.

Về phía doanh nghiệp, Thương vụ khuyến cáo, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại... đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu.

Cùng đó, chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản; quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa bảo quản tốt.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trên các khía cạnh công nghệ, nhân sự, nhất là nhân sự chuyên môn về marketing và thị trường.

Nguồn: Báo Chính phủ