Trung Quốc - thị trường trọng điểm xúc tiến thương mại năm 2024
26/02/2024 324Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Trung Quốc được xác định là thị trường trọng điểm trong xúc tiến thương mại năm 2024.
Nhiều dư địa vào sâu thị trường
Theo ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận, năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,7 tỷ USD). Tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc là điểm sáng trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu nhiều ảm đạm trong năm ngoái.
Đặc biệt, ông Lương Văn Tài nêu một điểm nhấn trong thời gian tới giữa hai nước là năm 2025, Việt Nam – Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy năm 2024 các cơ chế hợp tác thương mại dự báo sẽ đi vào chiều sâu. Trong các hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo Trung Quốc sẽ ưu tiên hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động này hơn. Đây có thể là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tổ chức thêm nhiều đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Ngay tháng 3 tới đây, đoàn của lãnh đạo tỉnh Sơn Đông với sự tham gia của 50 doanh nghiệp lớn trên địa bàn sẽ sang Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Bên cạnh đó, theo ông Lương Văn Tài, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường này. Bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là thực phẩm, bánh kẹo các loại, đồ uống, nước ép đóng chai... Ngoài ra, dự báo Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam.
“Theo góc nhìn của Thương vụ, dư địa dành cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc rất lớn, đặc biệt các khu vực nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như: khu vực phía Bắc, Đông Bắc, khu vực Hoa Đông. Đây là khu vực có mức chi tiêu rất cao” đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh phân tích và nêu ví dụ: điển hình cho thành công xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 là trái sầu riêng Việt Nam dần chiếm được thị phần tại nước này. Năm 2023, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt tới 2,3 tỷ USD. Điều đáng nói là Việt Nam mới được mở cửa thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc từ tháng 7/2022. “Với sự thành công của trái sầu riêng, thì các loại trái cây khác có thế mạnh của Việt Nam có thể đạt được kết quả tốt hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh kỳ vọng.
Tăng liên kết, mở rộng giao thương
Cùng chung quan điểm, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: năm 2024, Trung Quốc, Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, EU là 4 thị trường lớn của các mặt hàng nông sản Việt Nam, theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường.
Thời gian qua các hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu, bổ sung doanh nghiệp và sản phẩm được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được tích cực triển khai. Năm 2023, đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU, 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 1 cơ sở vào Hoa Kỳ, 2 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ,…); đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, bưởi Diễn...).
Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển, với thị trường Trung Quốc, năm 2024 sẽ tiếp tục tập trung rà soát các vấn đề về mở cửa thị trường xuất khẩu, kế hoạch mở cửa thị trường cho các sản phẩm tiềm năng và tiến độ phát triển thị trường cho các sản phẩm đã được mở cửa thời gian qua; vấn đề xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Để xuất khẩu bền vững, ông Lê Thanh Hoà mong muốn nhận được thông tin từ các tham tán, các địa phương, doanh nghiệp để có những kiến nghị, đề xuất sát với nhu cầu thực của thị trường. Vì có nhiều sản phẩm khi mở cửa thị trường không chuẩn theo các yêu cầu của địa phương thì gặp rất nhiều khó khăn. Có khi mở cửa nhưng không bán được, hay không có sản phẩm đề bán.
“Các địa phương, doanh nghiệp, người nông sân, các bộ ngành có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam đi xa hơn, chinh phục được các thị trường khó tính. Đồng thời, người nông dân và doanh nghiệp cần thực hiện tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Lê Thanh Hoà lưu ý.
Nguồn: Báo Hải quan