Kinh tế Đức bất ngờ thụt lùi, rủi ro suy thoái tăng lên

03/02/2023    137

Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), bất ngờ suy giảm tăng trưởng trong quí cuối năm 2022. Điều này có nghĩa là nếu trải qua thêm một quí suy giảm nửa, Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật, được định nghĩa là hai quí tăng trưởng âm liên tiếp.

Hôm 30-1, Cơ quan thống kê quốc gia Đức (Destatis) cho biết GDP của Đức trong quí 4-2022 giảm 0,2% so với quí trước đó. Mức tăng trưởng âm này tệ hơn dự báo của các nhà kinh tế khi họ cho rằng kinh tế Đức sẽ đi ngang trong quí vừa qua.

Số liệu của Destatis cho thấy tiêu dùng của hộ gia đình suy giảm là nguyên nhân chính khiến GDP quí 4 của Đức giảm.

“Sau khi duy trì tốt trong ba quí đầu tiên của năm 2022 bất chấp các điều kiện khó khăn, sản lượng kinh tế Đức đã giảm nhẹ trong quí 4”,  Destatis cho biết.

Joerg Kraemer, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Commerzbank, nói: “Người tiêu dùng Đức không tránh khỏi sự xói mòn sức mua do lạm phát cao kỷ lục”.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng của Đức sẽ tiếp suy giảm trong quí 1-2023. Nếu điều đó xảy ra, Đức sẽ chính thức rơi vào suy thoái dù không nghiêm trọng.

Nhà kinh tế trưởng Thomas Gitzel của Ngân hàng VP Bank (Đức) nói: “Những tháng mùa đông đang trở nên khó khăn, dù không quá khó khăn như dự đoán ban đầu. Kinh tế Đức không sụp đổ nghiêm trọng nhưng một cơn suy thoái nhẹ vẫn có thể xảy ra”.

Theo Carsten Brzeski, giám đốc phân tích vĩ mô toàn cầu của Ngân hàng ING, nỗi lo suy thoái đối với Đức đã quay trở lại sau dữ liệu kinh tế mới nhất. Ông cho rằng cơn suy thoái trong mùa đông vẫn là dự báo cơ bản đối với nền kinh tế Đức do những lo ngại về nguồn cung năng lượng, tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu cũng như tình trạng thiếu lao động lành nghề ngày càng tăng.

Ông nói có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Đức sẽ sớm phục hồi lành mạnh.

“Trước hết, chúng ta không nên quên rằng kích thích tài chính trong ba năm qua đã giúp ổn định nhưng không thực sự thúc đẩy nền kinh tế Đức. Sản xuất công nghiệp của Đức đang thấp hơn khoảng 5% so với trước Covid-19 và GDP của Đức chỉ mới trở lại mức trước đại dịch vào quí 3-2022. Lượng đơn đặt hàng công nghiệp ở Đức cũng suy yếu kể từ đầu năm 2022. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng, dù đã có một số cải thiện gần đây, vẫn ở gần mức thấp nhất trong lịch sử và tình trạng mất sức mua sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2023”, Brzeski nói.

Tuần trước, trong báo cáo kinh tế hàng năm của chính phủ, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Đức có thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine dù giá năng lượng cao và lãi suất tăng.

Báo cáo nhận định tình hình kinh tế Đức sẽ cải thiện từ mùa xuân trở đi và điều chỉnh tăng dự báo GDP của Đức trong năm 2023 lên mức 0,2%, cải thiện so mức dự báo suy giảm 0,4% được đưa ra hồi mùa thu năm ngoái.

Nhà kinh tế Ralf Umlauf của Ngân hàng Helaba nhận định dù kinh tế Đức suy giảm, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục tăng lãi suất vì áp lực lạm phát vẫn ở mức cao. Trong tuần này, ECB được dự báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,5% để kiềm chế lạm phát.

Carsten Brzeski cảnh báo giống như mọi nền kinh tế thuộc khu vực eurozone, nền kinh tế Đức chịu toàn bộ tác động từ việc ECB tăng lãi suất.

“Nói tóm lại, trong suốt năm 2023, kinh tế Đức sẽ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc khủng hoảng từ năm ngoái”.

Lạm phát Đức, chủ yếu do giá năng lượng cao, đã giảm tốc độ tăng trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12. Trong tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của Đức tăng 9,6% so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 11,3% trong tháng 11. Tuy nhiên, các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán lạm phát của Đức sẽ tăng trở lại lên mức 10% trong tháng 1.

Với quy mô sản xuất lớn, Đức, nền kinh tế lớn nhất của khu vực eurozone, bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các nước châu Âu khác khi giá khí đốt tăng vọt trong năm qua.

Franziska Palmas, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty tư vấn Capital Economics, cho rằng khi lãi suất cao hơn và giá cả vẫn ở mức cao, nền kinh tế Đức sẽ không thay đổi trong nửa đầu năm 2023 và chỉ tăng trưởng rất chậm sau đó.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn