Tin tức

Nâng tầm về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật Việt Nam – Trung Quốc

15/01/2024    266

Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện từ hệ thống luật pháp liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và cả cơ quan quản lý.

Trong đàm phán nâng cấp Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) lần này, Việt Nam được tín nhiệm làm Chủ tọa các phiên đàm phán về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) giữa ASEAN và Trung Quốc. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) về vị thế cũng như cơ hội đưa nông, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.


Phóng viên: Với cương vị là Chủ tọa các phiên đàm phán về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) giữa ASEAN và Trung Quốc trong ACFTA, ông có đánh giá thế nào về sự phát triển SPS Việt Nam trong khu vực cũng như với Trung Quốc?

Ông Lê Thanh Hòa: Thời gian qua, lĩnh vực SPS của Việt Nam đã được chú trọng và đặc biệt là có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng như là các bộ, ngành liên quan.
Việc mà chúng ta tham gia đàm phán SPS trong các hiệp định thương mại tự do cũng đã nâng tầm vị thế của Việt Nam và đặc biệt là trong khuôn khổ giữa ASEAN với các đối tác thương mại lớn như là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,  Australia/New Zealand…

Việc nâng cấp hệ thống cũng như là vai trò của SPS Việt Nam được ASEAN đánh giá cao. Điều đó được thể hiện Việt Nam là chủ tọa trong đàm phán nâng cấp ACFTA về SPS. Đây sẽ là cầu nối không chỉ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mà với các đơn vị liên quan trong kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm và hoạt động xuất nhập khẩu vào Trung Quốc. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho Việt Nam cũng như ASEAN xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc thời gian tới.

Đặc biệt là với việc nâng cấp này, các nội dung về SPS mà Việt Nam đã có trước đây với ASEAN, với Trung Quốc cũng sẽ được nâng cấp lên ngang tầm với các nội dung về SPS của các hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước.

Phóng viên: Việc đàm phán nâng cấp này, ông có kỳ vọng gì với việc nâng cao hơn nữa chất lượng nông, thủy sản Việt sang thị trường hơn 1 tỷ dân này?

Ông Lê Thanh Hòa: Trong khuôn khổ hợp tác rất tốt giữa ASEAN với Trung Quốc, Cục Hải quan Quảng Tây - đơn vị đầu mối cho phía Trung Quốc để đối tác với các nước ASEAN. Chúng ta đã có nhiều nhóm công tác về: an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật. Qua cơ chế trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN cũng như là giữa Việt Nam với Trung Quốc, các nhóm này hiện đang đóng vai trò rất tích cực trong vấn đề tiếp nhận thông tin, các mẫu giấy chứng thư về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc. Qua đó, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Điều này đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro bởi việc làm giả các cái giấy chứng thư về kiểm dịch động thực vật mà chúng ta đã gặp phải trước đây.

Việc đàm phán lần này, các bên sẽ thống nhất các nội dung về kỹ thuật để làm sao tạo thuận lợi hóa cho thương mại. Đặc biệt, khi có các thay đổi liên quan đến các quy định về SPS, trách nhiệm mỗi bên sẽ có sự thông báo rõ ràng; cũng như xây dựng cơ chế để phối hợp để xử lý các vấn đề về kỹ thuật hoặc khi có bất cập về rào cản kỹ thuật thì hai bên cùng xử lý, thống nhất với nhau để làm sao thúc đẩy thương mại mạnh hơn nữa.

Thông qua cơ chế SPS, Trung Quốc cũng tiếp tục có những cam kết hỗ trợ cho các nước ASEAN như tăng cường về năng lực cho các nước như Lào, Campuchia... Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ về đào tạo kỹ thuật của Trung Quốc để nâng cấp cũng như là tăng cường năng lực cho các cán bộ kỹ thuật trong các khâu liên quan đến chẩn đoán dịch bệnh động thực vật, an toàn thực phẩm.

Phóng viên: Số lượng cảnh báo của các thị trường với nông, thủy sản của Việt Nam đang ngày càng giảm. Qua đây, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng nông sản Việt?

Ông Lê Thanh Hòa: Sau 17 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện, từ hệ thống luật pháp liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và ngay cả cơ quan quản lý. Các quy trình giám sát cũng tiếp cận với các yêu cầu tiên tiến.

Đặc biệt, trong chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp đều phải áp dụng HACCP, ISO… để làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là áp dụng quy trình sản xuất tốt để giám sát tất cả những mối nguy trong quá trình trồng trọt, thu hái, sơ chế, chế biến để đáp ứng được quy định của thị trường.

Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời từ các yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp, nhà sản xuất phải tuân thủ để giảm thiểu rủi ro khi kiểm soát hàng hóa tại biên giới, cũng như thời gian thông quan hàng hóa, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chính việc tuân thủ tốt các quy định về SPS đang ngày càng thúc xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm Việt Nam cũng như là khẳng định vị thế về chất lượng, an toàn của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phóng viên: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ đạo phải có “nhạc trưởng” trong đàm phán về mở cửa thị trường. Ông đánh giá thế nào về vai trò và tầm quan trọng của “nhạc trưởng” này?

Ông Lê Thanh Hòa: Yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng như Chính phủ là làm sao hài hòa lợi ích trong mở cửa thị trường. Có nghĩa là chúng ta phải xác định hài hòa tất cả các lợi ích đối với từng nhóm sản phẩm động vật, thực vật, thực phẩm.
Bên cạnh sự hài hòa trong mở cửa các sản phẩm của nhau là sự hài hòa giữa các cơ quan chuyên môn trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các vấn đề cần được đưa ra và đảm bảo sự đối trọng.

Văn phòng SPS Việt Nam sẽ cố gắng làm tốt chức năng đầu mối này để làm sao điều tiết, điều phối giữa các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đặc biệt là các điểm hỗ trợ kỹ thuật trong mạng lưới SPS của Việt Nam, đó là các đơn vị của: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế...

Văn phòng cũng cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các hiệp hội ngành hàng…
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: Trang tin điện tử bnews.vn -TTXVN