Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2024: Cơ hội rộng mở
05/01/2024 1371Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả Việt năm 2023. Cơ hội ngày càng rộng mở khi Việt Nam ký thêm được Nghị định thư xuất khẩu sang thị trường này.
Khơi thông thị trường cho nhiều loại trái cây Việt
Những ngày cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết, việc ký Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu chính ngạch sang Trung Quốc là một bước quan trọng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, và người dân trồng dưa hấu của Việt Nam.
Khi Nghị định thư được thực hiện, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi vào năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh hơn nhiều. Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2 - 3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm. Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập
Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 1/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho thấy, việc ký kết Nghị định thư đã mang đến mức tăng trưởng đáng kể cho quả chuối Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam vươn lên là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường Trung Quốc dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu nông sản Việt Nam năm 2023, với con số 12,2 tỷ USD, chiếm 23%.
Về mặt hàng rau quả, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất.
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 đạt khoảng 2,2 - 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.
Nằm trong Top doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn nhất, Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng đã có một năm khá thành công với thị trường Trung Quốc.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trong năm 2023, góp phần đưa doanh thu gấp đôi năm 2022. Doanh thu kỷ lục, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành rau quả là những điều không thể phủ nhận ở ngành sầu riêng năm nay.
Bà Ngô Tường Vy nhận định, ngành sầu riêng năm 2023 “được nhiều hơn mất”, điều này chứng minh qua kim ngạch xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ít nhiều đã xây dựng được thương hiệu với đối tác.
Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group là đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, do xuất khẩu trái cây tươi nên đơn hàng của doanh nghiệp là quanh năm. Năm 2023, doanh nghiệp có thêm thị trường mới như trái bưởi tại thị trường Hoa Kỳ, New Zealand. Thị trường Hoa Kỳ cũng mở cửa trở lại cho trái dừa tươi.
Đặc biệt, Việt Nam ký Nghị định thư với Trung Quốc đối với trái sầu riêng giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này tăng trưởng vượt bậc. Do đó, năm 2023, theo tính toán của doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu của Vina T&T đạt khoảng 40% so với cùng năm ngoái. Doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng, tăng trưởng doanh thu năm 2024 sẽ đạt khoảng 20% so với 2023.
Hiện Vina T&T cũng có kế hoạch mở rộng thị phần tại Trung Quốc, bởi theo ông Tùng, nếu xuất với số lượng lớn lãi thu được sẽ cao, thậm chí, nông dân Việt Nam sẽ giàu lên và hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường này.
Giữ thị trường, nâng thương hiệu
Với nhu cầu khổng lồ từ thị trường 1,4 tỷ dân, các doanh nghiệp cho rằng, ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tại Trung Quốc, thị phần có thể ở mức 40% trong vòng 5 năm tới. Tại Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam nhận được phản hồi khá tích cực từ phía các đối tác.
Tuy nhiên, khi tín hiệu thị trường tốt, chuyện tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp và thương lái không ít, điều này tạo nên cái nhìn không tốt về ngành sầu riêng Việt Nam.
Nhìn lại hành trình năm 2023 của ngành sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên cũng thấy rằng liên kết nông dân – doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dễ đứt gãy, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Đại diện Vinafruit cho biết, để đàm phán cho sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không phải ngày một ngày hai. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải trân quý cơ hội này và giữ uy tín cho Việt Nam.
Nếu Trung Quốc phát hiện sầu riêng non, sâu, không đáp ứng quy định, loại trái cây này sẽ bị cảnh báo và tiêu hủy, thậm chí ngừng mua hàng. Lúc đó, 95% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bán đi đâu?
Hãy nhìn Chile, Thái Lan có thể trụ lại ở Trung Quốc nhờ giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm. Nếu mình không tự cải tiến, ngành rau quả có thể bị lùi về phía sau.
Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.
Dù Trung Quốc đã và sắp ký thêm Nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt, nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật… Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho hàng Việt.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhấn mạnh, chỉ có tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, không chỉ sang Trung Quốc, mà với nhiều thị trường trên toàn cầu.
Để giữ uy tín, thị trường cho trái cây xuất khẩu Việt Nam, lãnh đạo Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn cho biết đã chỉ đạo các cục chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư.
Khơi thông và giữ thị trường sẽ giúp nông sản Việt Nam nói chung, rau quả và trái cây Việt Nam nói riêng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường tỷ dân này.
Nguồn: Báo Công thương
- Định hình lại chiến lược để nâng tầm vị thế cho doanh nghiệp Việt
- Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may
- Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính châu Á 2025
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh