Tin tức

Đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững: “Chìa khoá” tăng trưởng xuất khẩu da giày

06/11/2023    52

Doanh nghiệp xuất khẩu da giày triển khai để phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn từ các FTA, trong đó có Hiệp định CPTPP.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp Hội Da - giầy - Túi xách Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

Da giày là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang CPTPP. Bà đánh giá gì về những cơ hội mà thị trường này mang lại đối với hàng da giày xuất khẩu?

CPTPP là một trong những FTA quan trọng với ngành da giày. Trong những nước tham gia CPTPP, 2 quốc gia Canada và Mexico chưa có FTA trước đó nên khi có CPTPP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giày vào 2 thị trường này tăng rất nhanh chóng, lên đến 20%. Đối với các thị trường của Việt Nam trong khối CPTPP, trừ Brunei, còn lại hầu như đều giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực, mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Các nước CPTPP hiện chiếm 12% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu, tức là đây là thị trường mang đến nhiều lợi ích lớn.

Một trong những tín hiệu tích cực khác là nhờ hiệp định này mà việc dịch chuyển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đã vào Việt Nam. Các FTA muốn có hiệu lực thì ta phải tuân thủ các điều kiện về quy tắc xuất xứ. Chính vì sự chuẩn bị ngay từ khi đàm phán Hiệp định TPP là Hiệp định tiền thân của CPTPP nên các nguồn cung nguyên phụ liệu đã dịch chuyển vào Việt Nam và góp phần tăng trưởng tỷ lệ nội địa hoá đối với sản phẩm da giày xuất khẩu từ mức 45% lên 55% và đang tiếp tục tăng lên. Đây là thành công đáng kể cho ngành da giày bên cạnh sự tăng trưởng xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều quốc gia trong khối CPTPP đã và đang tăng cường các yêu cầu về phát triển bền vững. Vậy để đáp ứng yêu cầu này, các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã có những giải pháp ra sao thời gian qua?

Phát triển bền vững đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp ngành da giày nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Khi tham gia các FTA thế hệ mới thì có thể hiểu nôm na giống như là nếu trước đây ta chỉ đi “nội đô” thì nay đã đi trên “đường cao tốc”. Mà đi trên cao tốc thì đòi hỏi xe phải tốt, phải hiện đại thì mới di chuyển được. Còn các loại xe thô sơ, yếu thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Để đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu như những tiêu chí về chất thải, điều kiện làm việc của người lao động, môi trường…

Bài toán tuân thủ của doanh nghiệp đặt ra rất rõ ràng. Khi chuỗi cung ứng ngày càng minh bạch rõ ràng, việc truy xuất là yêu cầu doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được. Như vậy, yêu cầu phát triển bền vững không chỉ do chính sách của Chính phủ mà các nhãn hàng uy tín cũng yêu cầu. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp phải chuyển đổi số, từ đó giải quyết được bài toán chi phí quản lý, nâng cao năng lực nội tại, minh bạch chuỗi cung ứng để doanh nghiệp tiếp cận được hiệu quả.

Doanh nghiệp cũng cần sự chung tay của cơ quan nhà nước về chính sách như khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đồng thời tập trung đầu tư cho con người. Nếu như có máy móc tốt mà không có nhân lực chất lượng cao thì cũng không đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay người ta đã bắt đầu đã nói nhiều về công nghệ 5.0, đó là công nghệ xanh digital ecosystem. Từ năm 2030 trở đi, những ứng dụng này sẽ ngày càng phổ biến và đúng với cam kết của Việt Nam với quốc tế khi ta tham gia Hội nghị COP 26. Do đó, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi để theo kịp xu hướng.

Phát triển bền vững là vấn đề không thể thay đổi, song cũng không thể quá vội vàng, bởi chi phí cho hoạt động này không nhỏ. Các doanh nghiệp da giày đã đề ra những lộ trình như thế nào thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu từ phía bạn, song vẫn đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp?

Các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu luôn tuân thủ các quy định, yêu cầu của phía khách hàng. Việc doanh nghiệp thực hiện đúng các yêu cầu cũng là cách để doanh nghiệp có cách cải tổ nội lực vì khi thực hiện chứng chỉ, doanh nghiệp sẽ rà soát lại năng lực của mình để có được đơn hàng. Đây là động lực lớn để cải tổ sản xuất, cũng là bước để doanh nghiệp chuẩn bị cho quá trình phát triển bền vững.

Còn sau này, khi đòi hỏi của thị trường ngày càng cao hơn, khắt khe hơn, đòi hỏi nguồn lực lớn hơn, doanh nghiệp cần tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Giải pháp thứ 2 là doanh nghiệp đang tập trung tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn. Có doanh nghiệp đầu tư để chủ động vấn đề phát triển nguyên liệu. Đây là giải pháp căn bản mà doanh nghiệp da giày đang tập trung thực hiện thời gian qua.

Ở góc độ hiệp hội, bà có những kiến nghị gì với cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững?

Câu chuyện phát triển bền vững là 1 trong những nhiệm vụ dài hơi không chỉ trong 5, 10 năm mà cả quá trình tiếp theo và tôi nghĩ rằng chúng ta cần giải pháp tổng thể xuyên suốt.

Đối với ngành dệt may, da giày, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may da giày. Trong chiến lược có nội dung thực thi là xây dựng chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày. Chúng tôi cho rằng cần xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể với chiến lược, trong đó nêu rõ nội dung mà thế giới và doanh nghiệp đang yêu cầu, đặt ra với doanh nghiệp, từ những giải pháp về thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn hoá các yêu cầu đối với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đó là giải pháp tổng thể căn bản giúp ngành dệt may da giày đi nhanh và xa hơn.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Công Thương