Vì sao chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của Việt Nam dễ bị mất ở Trung Quốc?
02/10/2023 825Nhãn hiệu (thông thường) chứa tên địa danh bị hạn chế đăng ký
Trung Quốc hạn chế cấp bảo hộ đối với nhãn hiệu (thông thường) chứa tên địa lý (tên địa danh) vì Điều 10 (đoạn 2) Luật nhãn hiệu 2019 quy định tên các đơn vị hành chính từ cấp huyện trở lên hoặc tên địa lý nước ngoài được biết tới bởi công chúng không được phép đăng ký làm nhãn hiệu, trừ trường hợp tên địa lý đó có nghĩa khác, hoặc cấu thành một phần của nhãn hiệu tập thể, hoặc nhãn hiệu chứng nhận.
Theo quy chế thẩm định nhãn hiệu năm 2021 của Cơ quan sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA), các dấu hiệu Thâm Quyến Jiuda, Tân Cương Đỏ, Đại Liên theo thứ tự từ trái qua phải dưới đây đều là tên địa danh cấp huyện trở lên không được phép đăng ký làm nhãn hiệu.
Tuy nhiên, tên địa lý có nghĩa khác, nghĩa là tên địa lý mà nghĩa của nó được xác định theo từ điển và nghĩa này mạnh hơn nghĩa của tên địa lý nên không làm công chúng bị nhầm lẫn thì có thể được chấp nhận đăng ký nhãn hiệu. Ví dụ: chữ tiếng Trung có nghĩa là Hoàng Sơn trong nhãn hiệu dưới đây có nghĩa mạnh hơn tên địa lý.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không từ chối tên địa lý nếu nhãn hiệu chứa tên địa lý độc lập với dấu hiệu khác có tính phân biệt, và tên địa lý chỉ đóng vai trò chỉ dẫn thực sự nơi kinh doanh (cư trú) của chủ đơn như 3 ví dụ đầu tiên từ trái sang dưới đây. Tương tự như vậy, tên địa lý đóng vai trò làm một phần của nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể như ví dụ thứ 4 Parma Ham bằng tiếng Trung cũng được chấp nhận bảo hộ.
Khác với tên địa lý mô tả đơn vị hành chính của Trung Quốc từ cấp quận, huyện trở lên không được bảo hộ làm nhãn hiệu, Trung Quốc không từ chối bảo hộ nhãn hiệu là/chứa tên địa lý nước ngoài trừ khi nó được công chúng Trung Quốc biết đến. Tên địa lý nước ngoài là các tên địa lý bên ngoài Trung Quốc, gồm tên quốc gia, tên của các khu vực tồn tại dưới dạng tên đầy đủ, viết tắt, hoặc tên theo ngôn ngữ nước ngoài, hoặc bản dịch tiếng Trung của chúng. Dấu hiệu California dùng cho bia dù viết bằng tiếng Trung vẫn được xem là tên địa lý được biết tới bởi công chúng Trung Quốc nên không được bảo hộ làm nhãn hiệu.
Nhiều tên địa lý nước ngoài khác kể cả tên địa lý nổi tiếng ở nước ngoài mà đang được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý theo pháp luật nước ngoài không mặc nhiên được xem là tên địa lý nước ngoài được biết đến bởi công chúng Trung Quốc. Đây chính là lý do lý giải tại sao dấu hiệu Buon Ma Thuot & chữ Trung Quốc, Phú Quốc & hình[1] và 罗曼尼·康帝 (phiên âm tiếng Trung của Romanée-Conti)[2] chỉ định cho cà phê, nước mắm và rượu vang ở các nhóm 30 và 33 tương ứng như minh họa dưới đây vẫn được CNIPA cấp bảo hộ cho người nộp đơn Trung Quốc. Cần nhớ rằng Buon Ma Thuot, Phú Quốc và Romanée-Conti (phiên âm tiếng Trung là 罗曼尼·康帝) đều là tên địa lý nổi tiếng ở nước ngoài, đều đang được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và Pháp.
Tránh mất thương hiệu nông sản Việt ở Trung Quốc bằng cách nào?
Mọi thương hiệu nước ngoài nổi tiếng gồm cả chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đều có nguy cơ cao bị chiếm đoạt đăng ký rất nhanh ở Trung Quốc vì 2 lý do: (1) CNIPA chỉ cấp bảo hộ cho nhãn hiệu được nộp đơn sớm nhất với CNIPA (theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”), và (2) CNIPA không mặc nhiên coi tên địa lý, tên địa danh cấu thành nên chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể là tên địa lý nước ngoài được biết đến bởi công chúng Trung Quốc.
Bài học rút ra ở đây là chủ đơn/chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của Việt cần ngay lập tức nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc, bao gồm cả nộp đơn đăng ký thương hiệu dưới dạng bản dịch/phiên âm tiếng Trung. Trường hợp phát hiện đối thủ nhanh chân đã nộp đơn/đăng ký trước nhãn hiệu (trùng hoặc tương tự với tên địa lý mà cũng là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam) thì cần tiến hành phản đối cấp hoặc hủy bỏ hiệu lực của chúng.
Nguồn: Bross & partners
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024