EVFTA tạo cú hích cho hàng Việt Nam xuất khẩu bền vững
02/10/2023 100Sau 3 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã trở thành cú hích đưa hàng Việt Nam thâm nhập EU. Để xuất khẩu bền vững sang thị trường này, các doanh nghiệp đang nỗ lực ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao song song với chuyển đổi sản xuất xanh.
Tăng trưởng vượt bậc
Kết quả sau 3 năm triển khai EVFTA là minh chứng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam - EU đã trở thành hiện thực. Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng.
Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… tỷ lệ tận dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi liên tục tăng cao.
Với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA thì đóng góp lớn nhất là giúp nền kinh tế Việt Nam có thể khai thác được những lợi thế cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất qua những con số như sự tăng trưởng vượt bậc của rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU.
Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, gỗ, thuỷ sản… thời gian qua, EVFTA giúp Việt Nam khai thác thêm lợi thế ở các mặt hàng gạo, giúp xuất khẩu tăng trưởng gấp 2-3 lần trước đây. Hay như mặt hàng rau củ quả cũng tăng trưởng đáng kể với kim ngạch năm 2022 đạt 200 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu rau quả thứ 59 vào EU trên thế giới.
Đáng lưu ý, EVFTA còn là cú hích giúp ngành sản xuất thay đổi. Các doanh nghiệp trong khu vực, các cơ sở thu mua phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng. Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng đối với ngành hàng chủ lực Việt Nam chứ không phải chỉ là xuất khẩu đơn thuần. Việc thay đổi sản xuất giúp mang lại giá trị bền vững đối với xuất khẩu và góp phần xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao. Đặc biệt là gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… với hàng hóa nhập khẩu gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”.
Doanh nghiệp thích ứng luật chơi mới
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi xanh không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện mà đã trở thành luật chơi mới, điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm nếu muốn tham gia thị trường. Vì vậy, để xuất khẩu bền vững, đáp ứng quy chuẩn của thị trường EU, các chuyên gia cho rằng cần những giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới gần 70% doanh nghiệp Việt Nam đã biết về “chương trình từ nông trại đến bàn ăn” của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với sản phẩm nông sản thực phẩm; gần 80% doanh nghiệp có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU, gần 60% doanh nghiệp may biết đến Chiến lược dệt may của EU…
Ở góc độ khác, việc thích ứng với thách thức mới không chỉ duy trì khả năng cạnh tranh mà sẽ mở ra cánh cửa giúp doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro về thị trường.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU không chỉ đòi hỏi chất lượng cao mà còn phải gắn với tiêu chuẩn về xã hội, môi trường, phát triển bền vững. Ngoài các tiêu chuẩn trước đây về truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến các tiêu chuẩn mới hơn của EU về chống phá rừng, các quy định về thuế cacbon.
Trên thực tế, nhiều ngành hàng của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hoá để đáp ứng nhiều quy định của EU. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất xanh; phát triển sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chia sẻ: “Vinatex với mô hình Tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên tập trung vào giải pháp phát huy tối đa sức mạnh tổng thể, tái cấu trúc để đáp ứng linh hoạt hơn với xu hướng thị trường và cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”.
Nói về giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của thị trường EU để kịp thời đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ để có phản ứng chính sách phù hợp.
Đồng thời, Bộ cũng tăng cường và đổi mới về xúc tiến thương mại hướng đến thị trường EU nhiều tiềm năng; tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, những ưu đãi trong EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024