Tin tức

Tiêu Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất EU

27/09/2023    28

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đồng loạt giảm nhẹ, mất mốc 70.000 đồng/kg. Dữ liệu mới đây cho thấy mặc dù EU giảm nhập khẩu tiêu từ các nước khác nhưng lại tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện tiêu Việt Nam đang chiếm thị phần lớn nhất tại EU.

Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng tiêu trọng điểm đồng loạt giảm 500 đồng/kg so với ngày hôm qua.

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 69.500 - 70.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai giảm xuống mức 69.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng giảm xuống mức 70.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ dao động trong khoảng từ 70.000 - 72.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai và Bình Phước lần lượt xuống mức 70.000 đồng/kg và 71.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu xuống mức 72.500 đồng/kg, vẫn cao nhất cả nước.

Nhập khẩu tiêu của EU có xu hướng giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của khu vực chậm lại, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do lạm phát và lãi suất tăng cao.

Theo số liệu thống kê từ Eurostat, 6 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu 39,69 nghìn tấn hạt tiêu, trị giá 200,45 triệu EUR (tương đương 213,72 triệu USD), giảm 25,4% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tiêu lớn nhất cho EU trong 6 tháng qua với khối lượng đạt 15.153 tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 37,08% trong 6 tháng đầu năm 2022 lên 38,18% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nhập khẩu tiêu của EU từ các thị trường khác giảm với tốc độ mạnh hơn như Brazil đạt 4.171 tấn, giảm 53,2%; Ấn Độ đạt 1.439 tấn, giảm 27,8%; Indonesia đạt 1.431 tấn, giảm 53,3%... so với cùng kỳ năm ngoái.

So với một số quốc gia sản xuất hồ tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia…, Việt Nam đang có lợi thế lớn nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Theo đó, mức thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã được giảm từ 4% xuống còn 0%.

Bên cạnh đó, Brazil đang mất dần thị phần tại EU do các vấn đề liên quan đến nhiễm khuẩn Salmonella trên hồ tiêu. Từ đầu năm 2023 đến 26/7/2023 có 25 cảnh báo từ châu Âu liên quan đến mặt hàng hồ tiêu, trong đó riêng Brazil chiếm 17 trường hợp và phần lớn các cảnh báo cảnh báo liên quan đến khuẩn Salmonella.

Do đó, nhiều chuyên gia ngành hàng tiêu nhận định, so với Brazil, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế trước mắt nhưng về lâu dài cần tiếp tục nâng cao chất lượng, khai thác các phân khúc thị trường khác nhau.

Để đẩy mạnh xuất khẩu tiêu sang EU, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của các thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hợp tác xã và người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững; nâng cao tỷ lệ tiêu xuất khẩu đã qua chế biến.

Nguồn: Tạp chí Công Thương