Tin tức

Mỹ – Trung nhất trí kênh đối thoại kinh tế mới nhằm giảm căng thẳng

25/09/2023    30

Mỹ và Trung Quốc nhất trí thiết lập kênh đối thoại kinh tế và tài chính mới nhằm cải thiện liên lạc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và ổn định mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng trong những năm gần đây.

Hôm 22-9, Bộ Tài chính Mỹ xác nhận Mỹ và Trung Quốc đồng ý thành lập các nhóm công tác kinh tế và tài chính để tổ chức các cuộc họp định kỳ, thảo luận về chính sách và trao đổi thông tin. Thông báo này được đưa ra sau chuyến thăm Bắc Kinh của ba thành viên nội các của Tổng thống Joe Biden vào mùa hè vừa qua nhằm tìm giải pháp giảm bớt căng thẳng về các vấn đề kinh tế và địa chính trị giữa hai nước.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các nhóm công tác mới sẽ tạo ra các kênh thảo luận “thẳng thắn và thực chất” về các vấn đề chính sách kinh tế và tài chính, cũng như trao đổi thông tin về diễn biến tài chính và kinh tế vĩ mô. Các nhóm công tác cấp thứ trưởng của hai bên sẽ thảo luận định kỳ và sẽ báo cáo kết quả cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen và Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.

“Các nhóm công tác này sẽ đóng vai trò là diễn đàn quan trọng để truyền đạt những lợi ích và mối quan ngại của Mỹ. Từ đó, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế lành mạnh giữa hai nước chúng ta với một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen nói trong một tuyên bố.

Một bản tin của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, hai nhóm công tác sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên và đột xuất để tăng cường liên lạc và chia sẻ quan điểm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế và tài chính.

Theo bản tin, quyết định này dựa trên “sự đồng thuận” Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Phó thủ tướng Hà Lập Phong sau khi hai bên gặp nhau ở Bắc Kinh hồi tháng 7.

Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại những bất đồng kinh tế lớn về thuế quan, kiểm soát công nghệ và hạn chế đầu tư. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đặc biệt lo ngại về cách Bắc Kinh đối xử với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

Việc thành lập các nhóm công tác kết nối trực tiếp Bộ Tài chính Mỹ với các quan chức Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và tài chính nhằm hồi sinh cách tiếp cận kéo dài hàng thập niên trong mối quan hệ song phương vốn bị phá bỏ dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Donald J. Trump.

“Đây là những vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc thấy rõ lợi ích chung trong việc giảm xung đột và quản lý mối quan hệ song phương theo hướng mang tính xây dựng. Các nhóm công tác này cũng có thể giúp duy trì đối thoại về những vấn đề như vậy ngay cả khi những rạn nứt địa chính trị giữa hai bên ngày càng nới rộng”, Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét.

Theo Prasad, việc thành lập các nhóm công tác này khó có thể giúp giảm đáng kể căng thẳng thương mại và kinh tế song phương, nhưng ít nhất sẽ làm giảm nguy cơ leo thang thêm, đặc biệt là khi mùa bầu cử tổng thống ở Mỹ đang nóng lên.

Quốc hội Mỹ đã tước bỏ quyền quản lý của Bộ Tài chính Mỹ về quan hệ thương mại quốc tế vào thập niên 1970, và chuyển giao quyền đó cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Quốc hội Mỹ hành động như vậy sau khi có khiếu nại từ các ngành công nghiệp và công đoàn lao động Mỹ rằng Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đã nhượng bộ thương mại với các nước khác để tập hợp đồngminh chống lại Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đến thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, Bộ Tài chính Mỹ dẫn đầu các nhóm đàm phán liên ngành trong các cuộc thương thảo với Trung Quốc. Sự lãnh đạo của Bộ Tài chính đã hạn chế ảnh hưởng của các quan chức Bộ Thương mại Mỹ. Các đời Bộ trưởng Tài chính Mỹ liên tiếp đã giao ưu tiên phối hợp chính sách kinh tế với Trung Quốc và nỗ lực mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc cho các công ty ở Phố Wall.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền tổng thống, ông Trump đã giải tán hệ thống nhóm công tác liên ngành của Mỹ và yêu cầu mỗi cơ quan đàm phán riêng với Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người chịu trách nhiệm xử lý chính sách kinh tế quốc tế của Trung Quốc, đã nhiều lần cố gắng đạt được các thỏa thuận thương mại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Steven T. Mnuchin và bỏ qua Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer.

Tuy nhiên, ông Trump không tán thành những thỏa thuận đó. Thay vào đó, ông ủng hộ ông Lighthizer, người cuối cùng đã đàm phán một hiệp định thương mại hạn chế mà cả hai nước đã ký vào tháng 1-2020 và duy trì cho đến nay.

Tháng 8 vừa qua, trong chuyến Bắc Kinh và Thượng Hải, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina M. Raimondo thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc đồng ý tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên về các vấn đề thương mại và các hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã nắm rõ kế hoạch của các nhóm công tác mới và sẽ được tham vấn khi các cuộc thảo luận giữa hai nước chuyển sang vấn đề thương mại. Tuy nhiên, kênh đàm phán mới sẽ do Bộ Tài chính Mỹ dẫn dắt.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính cho biết nhóm công tác kinh tế sẽ tập trung vào các thách thức như tái cơ cấu nợ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nhóm công tác tài chính sẽ đi sâu vào các chủ đề như ổn định tài chính và tài chính bền vững.

Hôm 22-9, bà Yellen ca ngợi rằng cấu trúc đàm phán mới là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ song phương. “Điều quan trọng là chúng ta phải nói chuyện, đặc biệt là khi chúng ta bất đồng quan điểm”, bà nói.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng xoa dịu các căng thẳng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây thảo luận kế hoạch cho một cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden. Các nguồn thạo tin cho hay, những cuộc thảo luận nhằm mục đích đảm bảo người đứng đầu của hai nước có thể gặp nhau tại Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco, Mỹ vào tháng 11 tới.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn