Tiếp tục mở rộng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản
22/09/2023 239Ông Kubo Yoshitomo, Phó trưởng đại diện Văn phòng Việt Nam của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng hợp tác của JICA với Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về hợp tác kinh tế, đầu tư, phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua?
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ XVI, được biết đến với việc giao thương bằng Châu Ấn Thuyền. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, hai nước đã tăng cường quan hệ hợp tác và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa… trong khung khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế đã tăng đều kể từ khi Nhật Bản bắt đầu cung cấp vốn ODA cho Việt Nam vào năm 1954, với tổng vốn ODA lũy kế hơn 3.000 tỷ yên (tương đương 600.000 tỷ đồng). Theo đó, tổng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm hơn 30% tổng vốn ODA cam kết của cộng đồng quốc tế và Nhật Bản trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong số các nước OECD.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2023, Nhật Bản có 5.168 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 71 tỷ USD, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, sau Hàn Quốc (83 tỷ USD) và Singapore (72,7 tỷ USD).
Cho đến nay, ODA của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị. Có thể kể đến những hợp tác tiêu biểu như đầu tư xây dựng 3.300 km đường bộ, tương đương 70% đường 2 làn tiêu chuẩn cao tại Việt Nam; xây dựng các nhà máy điện với tổng công suất 4.500 MW, tương đương 10% sản lượng điện quốc gia; sản xuất 100% vắc-xin sởi - rubella trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai bên cũng có thể thấy qua những công trình mang tính biểu tượng tại Hà Nội như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Nhà ga số 2), cầu Nhật Tân và tại TP.HCM như Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, đường sắt đô thị số 1…
JICA đã thực hiện những dự án trọng điểm nào giúp nâng cao năng lực lao động và hạ tầng ở Việt Nam, thưa ông?
Phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển “Thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh” của Nhật Bản đối với Việt Nam. Đặc biệt, hợp tác của JICA đối với các cơ sở giáo dục như Trường đại học Việt - Nhật, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Bách khoa Hà Nội… đã giúp đào tạo hơn 100.000 nhân lực chất lượng cao. Với mục tiêu đưa trường Trường đại học Việt - Nhật trở thành đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên, Trường đang từng bước xây dựng cơ sở mới và mở chương trình đào tạo bậc tiến sĩ.
Về hỗ trợ phát triển hạ tầng, các quốc lộ quan trọng ở phía Bắc (Quốc lộ 3, 5, 18, đường vành đai 3), cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân (mở rộng), cảng Lạch Huyện, cầu Nhật Tân, cầu Bính, cầu Bãi Cháy... đã được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực y tế, JICA tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua hợp tác tăng cường hệ thống y tế tại 3 bệnh viện nòng cốt là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy.
JICA gặp khó khăn gì khi triển khai ODA ở Việt Nam?
Không chỉ JICA, mà các nhà tài trợ khác cũng đang gặp vấn đề chung tại Việt Nam, đó là nhiều dự án bị đình trệ, giải ngân chậm do sự phức tạp và chồng chéo trong các thủ tục theo quy định của Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ có những quyết sách để giải quyết các vấn đề này.
Hai nước cần ưu tiên những lĩnh vực nào để thúc đẩy hợp tác hơn nữa, thưa ông?
Trong thời gian tới, JICA sẽ tập trung hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trên 4 lĩnh vực sau.
Thứ nhất, hợp tác trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng chất lượng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế của Việt Nam, tiêu biểu là tuyến đường sắt đô thị TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Thứ hai, hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh Dự án Trường đại học Việt - Nhật, từ năm 1969 đến nay, Nhật Bản hỗ trợ Trường đại học Cần Thơ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh hợp tác thông qua 3 bệnh viện nòng cốt, JICA sẽ hỗ trợ thiết lập hệ thống đào tạo từ xa tại các cơ sở y tế địa phương ứng dụng kỹ thuật chuyển đổi số. Ngoài ra, JICA sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học nhằm hỗ trợ Việt Nam cải tiến kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc điều dưỡng để đối phó với tình trạng già hóa dân số đang trở thành một vấn đề mới tại Việt Nam.
Thứ tư, hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu. Tiếp theo dự án phát triển điện gió tại tỉnh Quảng Trị, JICA đang xem xét các khoản tín dụng mới nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất điện mặt trời và điện gió. Ngoài ra, JICA sẽ sử dụng Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund - GCF) thông qua các hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên để hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050.
Nguồn: Báo Đầu tư
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024