Tin tức

VIFTA mở thêm cánh cửa cho hoạt động thương mại của Việt Nam

06/09/2023    215

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) được ký kết đánh dấu thành quả nỗ lực của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán.

Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA. VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ...

Thị trường nhỏ nhưng đầy tiềm tăng

Hiệp định VIFTA được ký kết có ý nghĩa lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, thị trường Israel chiếm tỷ trọng chưa nhiều, nhưng đây là thị trường rất tiềm năng. Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Các thống kê cho thấy, hằng năm, Israel thuộc tốp 22 thị trường hàng đầu trong số hơn 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra... Đặc biệt, FTA Việt Nam-Israel được ký kết sẽ mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng. “Quy mô dân số của Israel chỉ khoảng 9,3 triệu người nhưng đây lại là thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông”, ông Trương Đình Hòe thông tin.

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, nhiều chuyên gia phân tích, Israel là quốc gia phát triển, có thế mạnh về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn vốn đầu tư... Trong khi Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 410 tỷ USD; là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Chính vì vậy, việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA không chỉ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận những lĩnh vực công nghệ cao của quốc gia này.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên. “Israel là thị trường không đông dân nhưng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng rất lớn; trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55.000 USD/năm. Đây là tiềm năng rất lớn cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, da giày, thủy, hải sản... Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel mới đạt 785,7 triệu USD”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thông tin.

Phổ biến sâu rộng các cam kết của hiệp định

Hiệp định VIFTA gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm các chương với những nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý-thể chế. Với việc đạt được thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Hiệp định VIFTA nhiều tiềm năng nhưng việc ký kết mới chỉ là bước đầu. Để tận dụng tối đa các cơ hội từ FTA này mang lại còn rất nhiều việc phải làm. Về phía cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định VIFTA một cách sâu rộng, để các hiệp hội, ngành nghề, địa phương xem xét về những lợi thế, khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan... từ FTA mang lại. Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp (DN) cần đi sâu tìm hiểu và xem xét khả năng hợp tác, tận dụng cơ hội sản xuất, kinh doanh là những gì để từ đó có lộ trình cho từng DN, ngành nghề, mặt hàng.

Gợi ý cụ thể hơn, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, Israel có một đặc điểm là họ có nhu cầu nhập những mặt hàng có thể đưa vào bếp ngay cho các bà nội trợ, tức là hàng hóa chế biến sâu. Bên cạnh đó, thị trường này cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, có chất lượng. Đây là điều mà DN Việt Nam buộc phải tiếp cận dần để có thể làm quen và chiếm lĩnh thị trường.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: Kỳ vọng trong tương lai Israel sẽ là thị trường tốp 10 của xuất khẩu rau, quả. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về vùng nguyên liệu nông sản. Nếu các sản phẩm nguyên liệu của Việt Nam có thể kết hợp với công nghệ của Israel thì có thể tăng tỷ lệ hàng chế biến của Việt Nam ra thế giới. Mặc dù tiêu chuẩn thị trường của Israel không quá khắt khe như Mỹ hay Liên minh châu Âu nhưng với trái cây tươi, ít nhất phải có tiêu chuẩn GlobalGAP. Với thực phẩm chế biến cần chú ý đến một số tiêu chuẩn đặc thù như Chứng nhận Kosher-tiêu chuẩn về thực phẩm của người Do Thái. Bởi hầu hết siêu thị, khách sạn ở đây từ chối sử dụng sản phẩm không có chứng nhận này. Ngoài ra, đây cũng là một thị trường xa, do đó, khi xuất khẩu vào đây, DN phải có công nghệ bảo quản phù hợp để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Đề xuất thêm, ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam bày tỏ, do hiệp định mới ký kết nên hiểu biết của DN còn hạn chế. Do đó, DN đề nghị Bộ Công Thương cần tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại để giúp DN tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá kỹ thị trường trước khi đưa sản phẩm xuất khẩu tới nước này.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân