Tin tức

“Rộng cửa” hợp tác thương mại Việt Nam - Anh

21/08/2023    49

Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại và dịch vụ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh mới đạt khoảng 5,9 tỷ bảng Anh - vẫn còn khiêm tốn so với triển vọng và mong muốn đầu tư giữa hai nước. Tạp chí DĐDN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch BritCham, ông Christopher Jeffery, về vấn đề này.

- Trên cương vị Chủ tịch BritCham, ông có thể chia sẻ một số ấn tượng sâu sắc nhất về thị trường Việt Nam?

Theo tôi, Việt Nam là một thị trường của cơ hội, nhưng đây lại là một thị trường chưa được các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiểu biết một cách đầy đủ.

Thứ nhất, tiềm năng của Việt Nam là vô cùng to lớn trong con mắt của các doanh nghiệp quốc tế. Nếu bạn nhìn vào dân số 100 triệu dân, nhìn vào trình độ học vấn, hoặc nhìn vào sự cởi mở đối với quan hệ thương mại, bạn sẽ thấy rất nhiều cơ hội ở thị trường Việt Nam.

Thứ hai, quan hệ đối tác rộng khắp cũng như cơ hội mở rộng hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới có thể là một “chìa khóa” giúp mở cửa thị trường Việt Nam.

Thứ ba, tôi rất ấn tượng về bộ kỹ năng của lực lượng lao động tại Việt Nam. Từ quan điểm kỹ thuật, bạn thực sự không thể tìm thấy một nhóm người nào tốt hơn ở đây.

Dù vậy, nhìn từ khía cạnh khác, người lao động Việt Nam cần phải cải thiện hơn về kỹ năng mềm và các kỹ năng thực tế thiết yếu cho môi trường quốc tế.

Trong lĩnh vực này, BritCham và các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đang tiến hành các bước để đảm bảo rằng lực lượng lao động Việt Nam không chỉ xuất sắc về mặt kỹ thuật mà còn có thể áp dụng những kiến thức đó trong thực tế.

Điều quan trọng nhất vẫn là họ có thể thực sự sử dụng các kiến thức đã học để xây dựng và phát triển bản thân và công ty mà họ đang làm việc.

- Các doanh nghiệp Vương quốc Anh sẽ ưu tiên lĩnh vực nào tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Tôi cho là có ba lĩnh vực mà các công ty từ Anh muốn tham gia vào thị trường Việt Nam. Đó cũng là các lĩnh vực mà chính phủ Vương quốc Anh ưu tiên cho dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, như thương mại - dịch vụ, ngân hàng và giáo dục đào tạo.

Thương mại, mua bán hàng hóa giữa hai nước đang phát triển mạnh. Theo các tính toán, tổng kim ngạch thương mại giữa Vương quốc Anh và Việt Nam gần đây đã đạt 6,9 tỷ bảng Anh - tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, dịch vụ ngân hàng cũng sẽ là một lĩnh vực mà doanh nghiệp Anh tiếp tục quan tâm. Các dịch vụ tài chính, kế toán chuyên nghiệp có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cải thiện về năng suất cũng như gia tăng giá trị cho hoạt động kinh doanh của mình.

Đặc biệt, Vương quốc Anh và Việt Nam có sự tương đồng lớn về đường bờ biển, đồng nghĩa với cơ hội phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường là rất lớn. Tôi được biết các ngân hàng cũng như các công ty của Vương quốc Anh rất quan tâm đến việc hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiến tạo một môi trường bền vững hơn.

Ngoài ra, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển và đóng góp vào sự thành công của kinh tế Việt Nam. Đó cũng là điều tôi rất tự hào về BritCham, cũng như với tư cách là một người Anh ở Việt Nam.

- Ông có thể cho biết cộng đồng doanh nghiệp Anh đang hoạt động ra sao tại Việt Nam? Họ có gặp phải những thách thức, trở ngại gì không?

Tôi nghĩ về tổng thể, các doanh nghiệp Vương quốc Anh đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong vấn đề thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Đó là một trở ngại lớn bởi nếu các công ty có ý định đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ muốn chắc chắn rằng có thể bố trí được đúng người tới đây vào đúng thời điểm. Có một số chậm trễ trong việc phê duyệt thủ tục gây tâm lý về một sự không chắc chắn.

Đầu tư của Vương quốc Anh vào Việt Nam có tính dài hạn, do đó, các công ty sẽ cần một ý tưởng rõ ràng về tương lai nơi họ sẽ rót vốn đầu tư vào, ví dụ như về thuế hoặc hệ thống pháp luật. Với tất cả những vấn đề đó, Việt Nam cần phải cung cấp cho các nhà đầu tư một mức độ chắc chắn nhất định.

Nhưng nhìn chung, tôi thấy các doanh nghiệp ở Anh nhìn thấy ở Việt Nam những cơ hội tuyệt vời. Nếu mọi thứ được cải thiện hoặc tốt hơn nữa cho hoạt động kinh doanh quốc tế, thì điều đó chắc chắn sẽ tạo ra khác biệt lớn đối với dòng FDI tại Việt Nam.

Trong thu hút đầu tư FDI, Việt Nam hiện đang cạnh tranh với các quốc gia khác trong ASEAN. Đó là một nhiệm vụ lớn và không dễ dàng, nhưng theo tôi, chỉ cần Việt Nam đảm bảo về mặt thị thực, giấy phép lao động, rõ ràng về phân loại thuế hay các chính sách, thì sẽ tạo ấn tượng lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp