Tin tức

Israel đề xuất lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư tại Việt Nam

18/08/2023    58

Israel đang đề xuất thành lập một quỹ hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel đến đầu tư tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đã nhiều cuộc họp quan trọng tại Hà Nội và TPHCM, trong đó có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tham gia Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Israel; Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Israel về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat đánh giá, trong 3 thập kỷ qua, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Israel phát triển rất tốt đẹp. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), được ký tại Tel Aviv ngày 25/7 là một minh chứng.

Đặc biệt, tới đây sẽ có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Israel, đây là bước đột phá lớn, một điểm nhấn quan trọng giúp thúc đẩy lĩnh vực du lịch, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ...

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong xây dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ông Nir Barkat cho rằng, Việt Nam và Israel cần tập trung vào nắm bắt tốt hơn nhu cầu của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân của Israel đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực ASEAN.

Theo đó, Việt Nam có thể cho các doanh nghiệp Israel thấy rằng Việt Nam đóng vai trò là cửa ngõ để các doanh nghiệp này tiếp cận không chỉ với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà còn là thị trường 700 triệu dân của ASEAN.

Các công ty khởi nghiệp của Israel sẽ cân nhắc những nơi có mối giao lưu hữu nghị nhân dân, có sự hỗ trợ của Chính phủ, những nơi có cơ hội kinh doanh.

"Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là tạo được một hệ sinh thái như vậy", ông Nir Barkat nhấn mạnh.

Ông Nir Barkat cũng nêu đề xuất thành lập một quỹ hợp tác giúp hỗ trợ và kết nối về nguồn vốn cho các doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây là đề xuất hay cho các doanh nghiệp Israel, đòi hỏi hai nước hợp tác với nhau để bảo đảm những doanh nghiệp Israel đầu tiên tham gia thị trường Việt Nam sẽ thành công.

"Bởi 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel sẽ đặt câu hỏi có nên đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không? Và khi đó, thành công của những công ty đầu tiên sẽ là câu trả lời tốt nhất, tạo động lực cho những công ty khác đến đầu tư tại Việt Nam", ông Nir Barkat nói.

Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ông Nir Barkat cho hay, một trong những công ty đang có hoạt động rất tích cực tại Việt Nam với nhiều kinh nghiệm đối với lĩnh vực này là Netafim (Israel).

Netafim là công ty được thành lập trên vùng sa mạc phía nam Israel, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sa mạc (Desert Tech) nên rất phù hợp để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu như cung cấp các giải pháp quản lý nguồn nước, tạo ra nước, tiết kiệm nước, tạo nguồn thực phẩm trong sa mạc, nguồn năng lượng.

Biến đổi khí hậu làm cho những khu vực không phải là sa mạc sẽ phải hứng chịu các điều kiện khí hậu như sa mạc trong tương lai. Do vậy, Israel đã bắt tay vào phát triển công nghệ sa mạc (Desert Tech) và đây là một trong những nhóm ngành trọng yếu mà Israel đang tập trung nguồn lực, từ đó đã đưa ra nhiều sáng kiến, ý tưởng, giải pháp hiệu quả về quản lý nguồn nước, quản lý năng lượng, quản lý nông nghiệp, trồng lương thực trên sa mạc…

"Và đó sẽ là một trong các lĩnh vực then chốt mà các doanh nghiệp Israel đang mong muốn tìm kiếm sự hợp tác đầu tư tại Việt Nam", ông Nir Barkat cho hay.

Israel được biết đến là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, đặc biệt là khô hạn nhưng trở thành nền kinh tế phát triển với nền khoa học công nghệ cao trên thế giới. Được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp, nước này có khoảng 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong tổng số dân khoảng 10 triệu người.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 1,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu 404 triệu USD và nhập khẩu 1,2 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến tháng 5/2023, Israel có 40 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn 140,6 triệu USD tại Việt Nam.

Ngày 25/7/2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) chính thức được ký kết. Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời cũng là điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD trong thời gian tiếp theo.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ