Tin tức

Vượt dư lượng cho phép, xuất khẩu ớt bị "tuýt còi" tại Hàn Quốc

28/06/2023    359

Dư lượng tricyclazone trong các mẫu ớt đỏ khô vượt quá cho phép là 0,01 mg/kg, sản phẩm ớt Việt tại Hàn Quốc bị "tuýt còi".

Ngày 27/6, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi Công văn số 133/SPS-BNNVN đến Cục Bảo vệ thực vật, nêu thông báo của Hàn Quốc đối với sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết, lô hàng của Công ty TNHH Long Thành sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone trong các mẫu ớt đỏ khô dao động từ 0,02 - 0,04 mg/kg, vượt quá cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg.

Phía Hàn Quốc đã cho thu hồi sản phẩm ớt đỏ khô do 3 công ty nước này phân phối từ công ty Long Thành, gồm Công ty TNHH Thương mại Geosan, Seoul; Công ty TNHH Nông nghiệp Bokine, Daejeon, Công ty TNHH Nông nghiệp Yangil, Seoul phân phối sản phẩm của Công ty TNHH Long Thành.

Ngay sau khi nhận thông báo, Cục Bảo vệ thực vật lập tức chỉ đạo rà soát, kiểm tra và xác minh thông tin trên.

Kết quả, đơn vị xuất khẩu được xác định đăng ký kinh doanh tại Cụm công nghiệp đường Ngô Quyền, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Trên cơ sở này, Cục Bảo vệ thực vật gửi thông báo tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, các Chi cục Kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp liên quan.

Đồng thời đề nghị Công ty TNHH Long Thành chấp hành, tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công ty phải thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Theo thời gian quy định, doanh nghiệp gửi báo cáo kết quả thực hiện truy xuất và các biện pháp khắc phục về Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Về phía địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm dịch thực vật thực hiện giám sát hoạt động rà soát các khâu trong chuỗi quản lý của doanh nghiệp, sớm xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Trên cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Cục và Văn phòng SPS Việt Nam để trao đổi với phía Hàn Quốc, nhằm công khai, minh bạch hóa thông tin, cũng như trao đổi, làm rõ về các biện pháp khắc phục.

Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định, đến ngày 27/6, đơn vị không nhận được bất cứ thông báo nào về việc Hàn Quốc cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu sản phẩm ớt của Việt Nam như thông tin trên mạng xã hội.

Với mong muốn giúp doanh nghiệp yên tâm xuất khẩu và không làm gián đoạn giao thương nông sản giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như tuân thủ các biện pháp SPS theo thông lệ quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, Cục Bảo vệ thực vật cam kết phối hợp chặt chẽ với phía Hàn Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam cùng các đơn vị liên quan để hướng dẫn doanh nghiệp trong nước đáp ứng đầy đủ các quy định của thị trường nhập khẩu.

Trước đó, vào ngày 22/3, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản số 743 tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, chi cục kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp xuất khẩu ớt thông báo về yêu cầu của Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc.

Cụ thể, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất ớt của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do các phòng thử nghiệm được Bộ này chấp thuận.

8 phòng thí nghiệm này bao gồm: 6 Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Cà Mau, Cần Thơ; cùng 2 phòng thí nghiệm độc lập là Công ty Intertek chi nhánh Cần Thơ và Công ty SGS Việt Nam tại TP.HCM.

Thời gian áp dụng các yêu cầu kiểm tra nêu trên là 1 năm, tính từ ngày 31/3/2023 đến hết ngày 30/3/2024.

Ớt là nông sản Việt có giá trị xuất khẩu lớn sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.900 tấn ớt, với kim ngạch đạt khoảng 11,9 triệu USD.

Nguồn: Báo Công Thương