Để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc
28/06/2023 348Để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc, cần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam bằng cách đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu mặt hàng máy móc thiết bị. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tận dụng tốt cơ hội
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.
Hiệp định VKFTA trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc so với cam kết WTO và Hiệp định AKFTA trong hai phân ngành: dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị. Bên cạnh đó, Hàn Quốc mở cửa thêm cho Việt Nam ở năm phân ngành: dịch vụ pháp lý, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.
Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại… sang Hàn Quốc.
Vì vậy, sau hơn 6 năm thực thi VKFTA, thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh với mức 2 con số mỗi năm. Năm 2021, dù đại dịch bủa vây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đạt 78,1 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2020, năm 2022, đạt 87 tỷ USD tăng 11,6%.
Điều đáng mừng là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự dịch chuyển nhanh chóng, từ đa phần là nông, lâm, thủy sản sơ chế, nguyên liệu thô và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang nhóm hàng có hàm lượng công nghệ cao hơn, như điện tử, nông, lâm, thủy sản chế biến sâu, cơ khí chế tạo và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu suy giảm, nhưng thị trường Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 9,2 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp hơn mức giảm chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14,7%).
Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chiểm tỷ lệ cao. Điển hình là sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất sang Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD trên 20,33 tỷ USD xuất đi các nước, chiểm 9,3%. Tương tự, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện 1,3 tỷ USD trên 21,17 tỷ USD, chiếm 6,1%; mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 1,1 tỷ USD trên 16,55 tỷ USD, chiếm 6,6%; hàng dệt may 1,1 tỷ USD trên 12,32 tỷ USD, chiếm 8,9%...
Một con số khác cho thấy khả năng tận dụng cơ hội từ ưu đãi thuế quan từ các FTAs giữa 2 nền kinh tế, đó là tỷ lệ sử dụng ưu đãi theo C/O VK theo VKFTA đạt 5,8 tỷ USD, chiếm 26,35%; mẫu AK theo AKFTA đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 24,58%. Tổng tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cho hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc tại 2 FTA trong năm ngoái đạt gần 51% tổng kim ngạch xuất sang thị trường này, chỉ sau Ấn Độ và Chi Lê.
Nhập siêu lớn
Nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6/2023, Giáo sư Choe Won-gi, Trưởng khoa Nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ, Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc (KNDA) đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul về chuyến thăm.
Theo Giáo sư Choe Won-gi, nếu nhìn từ góc độ chiến lược, Hàn Quốc và Việt Nam có sự đan xen lợi ích ở mức rất cao, chia sẻ nhiều lợi ích chung trong lĩnh vực kinh tế, an ninh, thậm chí cả kinh tế xã hội. Khoảng 9.000 nhà máy Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và khoảng gần 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam và số lượng tương tự người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc nên mức độ gắn kết văn hóa xã hội rất cao. Vì vậy, hai bên có cơ sở rất vững chắc và với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác quan trọng về trao đổi thương mại, chiếm khoảng một nửa kim ngạch thương mại của Hàn Quốc với cả khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù quan hệ 2 nước “có sự đan xen lợi ích ở mức rất cao” như Giáo sư Choe Won-gi nhận định, nhưng nhìn từ cán cân thương mại, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Hàn Quốc. Năm 2021 Việt Nam nhập siêu từ thị trường này 34,2 tỷ USD, năm 2022 là 37,8 tỉ USD. 5 tháng đầu năm 2023 là 10,8 tỷ USD.
Ngày 22/6, tại buổi tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã 2 lần nhắc đến vấn đề này: “thúc đẩy hợp tác kinh tế theo hướng cân bằng, bền vững, cùng có lợi”; “Hợp tác về thương mại tuy có nhiều cải thiện nhưng nhập siêu từ Hàn Quốc vẫn còn rất lớn. Do đó, hai bên cũng cần phối hợp triển khai các biện pháp mở cửa hơn nữa thị trường”. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề Việt Nam cần phải cải thiện trong thời gian tới.
Việc nhập siêu từ Hàn Quốc có những lý do khách quan. Trước hết, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại... Năm 2013, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 3,8 tỉ USD, sau 10 năm đến nay đã tăng trên 80 tỉ USD, tăng gấp 21 lần. Nhiều dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam có quy mô lớn, điển hình là các dự án của Samsung, LG, Posco… Về số lượng, có khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Về cơ cấu, vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 86% tổng vốn FDI Hàn Quốc.
Những con số trên nói lên rằng, đi theo đó sẽ là máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu phục vụ cho đầu tư và sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nhập siêu của Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai, trình độ phát triển của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam, nên xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam là những mặt hàng có giá trị kim ngạch lớn, điển hình là máy móc thiết bị, ô tô, dược phẩm... Ngược lại, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc, có một phần khá lớn là hàng nông sản sơ chế, hoặc chưa qua chế biến, số hàng công nghệ có giá trị kim ngạch cao không nhiều.
Nguyên nhân thứ ba, Hàn Quốc là nước “khó tính” trong kiểm soát an toàn vệ sinh đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu với nhiều quy định, điều kiện đi kèm. Nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt chưa đáp ứng được chất lượng và quy trình bảo quản theo yêu cầu của Hàn Quốc. Nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc sẽ phải trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm kiểm tra trên bề mặt hồ sơ, kiểm tra thực địa lô hàng. Đối với hàng nông sản nhập khẩu lần đầu, Hàn Quốc sẽ tiến hành kiểm tra chuyên sâu. Từ lần nhập khẩu thứ 2 trở đi, nông sản đó sẽ kiểm tra theo phương pháp mẫu ngẫu nhiên. Trong trường hợp mặt hàng nông sản đã từng không đạt chuẩn trước đó, Hàn Quốc sẽ kiểm tra chuyên sâu 5 lần liên tục đối với các lần nhập khẩu tiếp theo. Hạng mục kiểm tra chuyên sâu đối với thực phẩm nhập khẩu bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 134 loại chưa có tiêu chuẩn về ngưỡng tồn dư cho phép.
Tăng tính cạnh tranh
Tại buổi hội kiến với Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 23/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), qua đó hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào thời gian sớm và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững; đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa hơn nữa cho hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như nông thủy hải sản, trái cây theo mùa.
Về phía Việt Nam, để giảm nhập siêu từ Hàn Quốc, theo các chuyên gia, cần tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam bằng cách đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu mặt hàng máy móc thiết bị. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu, đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần Hội Nông dân Việt Nam rà soát, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch để thực hiện hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những nỗ lực trên sẽ giúp những mặt hàng thế mạnh nông sản, thực phẩm của Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu.
Nguồn: Tạp chí Công Thương
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024