Tin tức

Nhà xuất khẩu gian nan trong cuộc đua không cân sức

26/05/2023    83

Bên cạnh khó khăn do tình trạng sụt giảm mạnh đơn hàng, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh – sạch, sản xuất cacbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… của các thị trường nhập khẩu.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, các nền kinh tế phát triển đang dùng các rào cản kỹ thuật như một luật chơi mới, tạo cuộc đua không cân sức trong xuất khẩu…

Khi các nhà nhập khẩu xây dựng thêm “hàng rào” kỹ thuật

Thị trường khó khăn vì xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao, khó khăn kinh tế,… khiến nhiều quốc gia đưa thêm các quy định siết chặt nhập khẩu, dựng hàng rào phi thuế quan khắt khe.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật và tuân thủ các quy định mới do thiếu thông tin hoặc “hàng rào” dựng lên của các nước quá khắc khe khiến họ gặp khó để thích ứng kịp thời trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng nhưng đang khó tính hơn khi thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững, hạn chế tác hại đến môi trường,…

Đơn cử như gần đây Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu vào EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Thỏa thuận này mở đường cho việc Hội đồng các quốc gia thành viên EU thông qua quy định dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Quy định sẽ áp dụng với các sản phẩm có nguồn gốc từ gia súc như thịt bò và da, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su, gỗ cũng như các sản phẩm có chứa chúng như sô-cô-la và đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ.

Theo đó, các công ty được yêu cầu cung cấp kết quả thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng về việc sản phẩm của họ không được trồng hoặc chăm sóc trên những vùng đất trống có được do phá rừng sau năm 2020.

Điều này đòi hỏi các ngành thuộc các nhóm hàng trên cần đánh giá chuỗi cung ứng liên quan để đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng.

Trong số các nhóm mặt hàng nằm trong diện kiểm soát nói trên, Việt Nam có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở khu vực này, gồm đồ gỗ, cà phê và cao su.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends (Mỹ), chắc chắn trong thời gian tới, các nhà nhập khẩu từ EU sẽ yêu cầu các công ty Việt Nam xuất hàng cho họ phải đáp ứng các yêu cầu của EU về thực trạng sản xuất các loại mặt hàng này.

Thông tin cần cung cấp cho nhà nhập khẩu bao gồm các khía cạnh như lượng sản phẩm, giá, tên sản phẩm, địa chỉ lô đất và toàn bộ các bằng chứng minh chứng cho việc sản xuất hàng hóa không gây mất rừng và suy thoái rừng, bằng chứng về tuân thủ với toàn bộ các yêu cầu của Việt Nam (ví dụ tiếp cận đất đai hợp pháp, hoàn thành trách nhiệm về thuế, phí, tuân thủ quy định về chế biến, an toàn lao động…).

Theo ông Phúc, đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt trong tương lai.

Hoặc với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực này. Nhìn chung, đây là công cụ tốt để hạn chế phát thải ra môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho rằng CBAM có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì nền kinh tế khoảng 100 triệu dân là nước đang xuất khẩu nhiều vào EU.

Như vậy, một sản phẩm mà quá trình sản xuất làm mất rừng và suy thoái rừng bị coi là gây ra các tác động tiêu cực tới khí hậu và bị EU hạn chế nhập khẩu. Hay một sản phẩm có dấu vết tiêu tốn nhiều năng lượng, phát thải nhiều carbon sẽ bị các nước khu vực này đánh thuế, làm giảm tính cạnh tranh…

Trên thực tế việc “xuất hiện” thêm những quy định mới như trên từ các nước nhập khẩu trong thời gian qua không phải là ít, nhất là tình hình khó khăn kinh tế, lạm phát các nước tăng cao và nhất là sau khi Việt Nam tham gia ký kết hợp tác với nhiều khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các FTA được cho là sẽ mở cơ hội để các doanh nghiệp ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc các nước đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, quy định về kiểm dịch dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại rất khắt khe. Đây chính là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, đi vào các thị trường yêu cầu rất cao như thị trường EU.

Đã có không ít doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại TPHCM gặp khó từ các rào cản kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, bao bì xanh… khiến các ưu đãi từ FTA chưa được phát huy tối đa.

Dù ưu đãi thuế quan từ các FTA giúp hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hơn các nước khác, nhưng theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA), hiện nay việc các nước nhập khẩu đã đặt ra các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dẫn đến thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Đơn cử như các sản phẩm hủ tiếu khô, bún khô, và các nhóm sản phẩm chế biến từ gạo,… trước đây xuất khẩu thoải mái không bị hàng rào kỹ thuật nào”, bà Chi nói, và cho biết hiện nay họ cho rằng nguyên liệu gạo để chế biến sản phẩm nói trên còn dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nên bị kiểm tra từ phần nguyên liệu đầu vào sản xuất này, cùng những yêu cầu khắt khe khác.

Trên thực tế hồi tháng 4 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp sản xuất bún, phở, bánh đa… từ gạo tại Việt Nam cần nâng cao kiểm soát chất lượng, do Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ theo dõi các sản phẩm bún, bánh đa từ gạo có chứa hoạt chất 2-chloroethanol.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng 2-chloroethanol, nhiều khả năng EC sẽ đưa vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mỳ ăn liền. Điều này có tác động rất lớn đến xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam bởi EU là thị trường lớn với sản phẩm này.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản, và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định đã bị EU thu hồi hoặc cảnh báo. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Theo đó sản phẩm của doanh nghiệp không thể đi được vào các thị trường đối tác hoặc nếu có thể đi vào thì sẽ bị ngăn chặn do không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có thể bị trả lại, tiêu hủy, gây ra nhiều tổn thất cho nhà xuất khẩu lẫn hệ thống sản xuất trong nước.

Vào tầm ngắm tranh chấp thương mại kéo dài…

Thời gian qua, hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường lớn, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu. Điều này khiến các ngành sản xuất của nước nhập khẩu yêu cầu chính phủ họ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, thị trường bị giảm sút mạnh.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online