Tin tức

Tình hình tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA của Việt Nam năm 2022

12/05/2023    3035

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA năm 2022 đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Trong năm 2022, đã có 1.380.359 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 13,18% về trị giá và tăng 11,75% về số lượng bộ C/O so với năm 2021.

Về kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá 17 tỷ USD. Tiếp đó là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu với trị giá lần lượt là 13,34 tỷ USD, 12,4 tỷ USD và 12,1 tỷ USD. Lượng hàng hóa xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan từ Việt Nam sang thị trường Lào và Campuchia có kim ngạch không đáng kể. 

Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA: Thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ AIFTA cao nhất với 66,85%; đứng tiếp theo là thị trường Chile và Khu vực EAEU với tỷ lệ tận dụng lần lượt là 64,57% và 59,44%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ thị trường Lào và Campuchia không cao do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp thường tận dụng ưu đãi trực tiếp từ Hiệp định ATIGA. Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2022 là 33,61%. 

Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 33,61% không có nghĩa là hơn 66% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Thực tế, thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường đã là 0%, hoặc ở mức rất thấp 1-2%, hoặc tương đương với mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi khi xuất khẩu bởi việc có hay không có C/O ưu đãi không tạo sự khác biệt về thuế quan. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore có sử dụng C/O mẫu D trong năm 2022 đạt 558 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 12,92% trong gần 4,32 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, nguyên nhân chủ yếu là do thuế MFN của nước này đã là 0% nên doanh nghiệp không cần thiết xin C/O ưu đãi khi xuất khẩu. Tương tự, Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.

Kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP trong năm 2022 đạt 2,542 tỷ USD, bằng 4,91% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang các thị trường này không cao là do hầu hết các nước đối tác đều đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực. 

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU và Anh không quá cao (lần lượt ở mức 25,89% và 23,54%). Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như xơ và sợi dệt, vải kỹ thuật (gần 100%), giày dép (99,51%), thủy sản (82,94%), chất dẻo và các sản phẩm từ chất dẻo (79,44%). Trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn có thể tăng hơn nữa do trong năm 2022, đối với thị trường EU và Anh vẫn đang tồn tại song song 02 ưu đãi GSP và EVFTA/ UKVFTA, doanh nghiệp vẫn đang áp dụng cả 2 cơ chế này khi xuất khẩu hàng hóa sang EU/Anh và lựa chọn C/O mẫu EUR.1 hoặc C/O mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ theo cơ chế REX để hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế tương ứng khi xuất khẩu sang EU/Anh. Sau khi GSP kết thúc vào 31/12/2022, dự kiến, doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang sử dụng C/O EUR.1 nhiều hơn và kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU và Anh Quốc sẽ tăng trong thời gian tới.

Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định RCEP trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực (2022) chỉ đạt 0,67% vì về cơ bản các đối tác trong Hiệp định đều là các đối tác quen thuộc từng có FTA trước đây với Việt Nam đã thực hiện việc cắt giảm, xóa bỏ thuế quan theo các FTA cũ được một thời gian dài.

Về cơ cấu mặt hàng: Các mặt hàng nông sản của Việt Nam (Chương 01 - 24) có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA rất tốt do hầu hết đều đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy (WO) đối với nông sản thô và các quy tắc khác đối với nông sản chế biến. Nhiều mặt hàng công nghiệp (Chương 25-98) có tỷ lệ sử dụng ưu đãi chưa cao do quy tắc xuất xứ đối với nhóm hàng công nghiệp về cơ bản khó đáp ứng hơn so với nhóm hàng nông nghiệp.

Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các FTAs của Việt Nam năm 2021

Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các FTAs của Việt Nam năm 2020

Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các FTAs của Việt Nam năm 2019

Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các FTAs của Việt Nam năm 2018

Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các FTAs của Việt Nam năm 2017

Bảng tổng hợp tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các Hiệp định Thương mại của Việt Nam qua các năm tính đến năm 2022 được đính kèm dưới đây