Xuất khẩu cá tra: VietGap là tiêu chuẩn nền tảng
28/06/2011 46Tổng cục thủy sản sẽ sử dụng tiêu chuẩn VietGap làm nền tảng để doanh nghiệp, người nuôi tiếp tục tham gia vào GlobalGap, ASC, SQF 1000… nhằm giúp doanh nghiệp khi xuất khẩu cá tra vào thị trường nào thì áp dụng tiêu chuẩn đó.
Tại hội thảo "Chứng nhận và phát triển cá tra bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM ngày 27-6, nhiều đại biểu là các chuyên gia trong ngành thủy sản, doanh nghiệp chế biến thủy sản, người nuôi cá tra cũng đã đồng tình với ý kiến của Tổng cục thủy sản đưa ra.
Theo những đại diện này, do VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được Tổng cục thủy sản hỗ trợ và chứng nhận miễn phí nên người nuôi cá tra sẽ chịu ít chi phí hơn khi chứng nhận GlobalGap ( thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu), ASC (nuôi thủy sản nước ngọt không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên) hay SQF 1000 (thực phẩm an toàn và chất lượng)...
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện người tiêu dùng ở mỗi thị trường khác nhau ưu tiên mua những sản phẩm thủy sản có dán những nhãn khác nhau như Global Gap ở Tây Âu, Mỹ, ASC tại các nước Bắc Âu, trong khi Đông Âu và các nước châu Phi không đòi hỏi chứng nhận nào cả.
Những chứng nhận này đều xoay quanh những vấn đề chính là bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc, sức khỏe cá và phúc lợi xã hội. “Việt Nam sẽ ban hành VietGap cho cá tra, trong đó, cũng có đầy đủ những yêu cầu nói trên và khi cá tra Việt Nam xuất sang thị trường nào thì trên cơ sở đã có VietGap người nuôi khi chuyển sang GlobalGap, ASC… dễ dàng hơn”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, hiện cả nước khoảng khoảng 6.000 héc ta nuôi cá tra với sản lượng 1,35 triệu tấn cá trong năm 2010 và thường nuôi tập trung ở các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang nên việc áp dụng VietGap trên diện tích lớn rất dễ thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản trong quyết định 242/2006/ QĐ-TTg ký ngày 25/10/2006 có quy định đến năm 2010 thì có ít nhất 50% các vùng nuôi thủy sản tập trung thực hiện hệ thống quản lý theo GAP hoặc các hệ thống quản lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Song, đến nay bộ tiêu chuẩn VietGap vẫn chưa làm xong nên ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có con cá tra luôn gặp khó khăn vì phải sống trong sức ép của các tiêu chuẩn quốc tế. Còn theo một nông dân nuôi cá tra ở Đồng Tháp, quyết định 242 đưa ra mục tiêu đến năm 2010 thì 50% vùng nuôi thủy sản đạt GAP là do những người soạn thảo đã nhìn trước những khó khăn của ngành thủy sản, đặc biệt là con cá tra sẽ phải đối diện. "Một phần nội dụng của quyết định này không thực hiện được là do thời gian qua chỉ có nông dân nuôi cá, tôm còn doanh nghiệp chỉ mua rồi chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, khi người dân treo ao vì thua lỗ, cùng với sức ép về tiêu chuẩn nên doanh nghiệp mới xây dựng vùng nuôi nên GAP mới được doanh nghiệp áp dụng trên vùng nuôi của họ", ông nói. |
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc