Tin tức

FTA Việt Nam – Israel: Doanh nghiệp 2 bên cần nhanh chóng thích ứng, tận dụng tối đa cơ hội

28/04/2023    172

Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel chính thức kết thúc đàm phán, các ngành hàng và doanh nghiệp đang háo hức mong đợi.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel - Nir Barkat tuyên bố về việc hai bên chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA); đồng thời, hai bên bày tỏ mong muốn VIFTA sẽ sớm được ký kết và đi vào thực thi ngay trong năm nay.

Ngài Gal Saf – Tham tán thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam chia sẻ về cơ hội và những tiềm năng của VIFTA đối với doanh nghiệp 2 nước.

Ông đánh giá thế như thế nào về tình hình hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của hai nước Việt Nam – Israel trong bối cảnh hiện nay?

2023 là năm kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Nói về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Israel, thật tuyệt vời khi thấy rằng quan hệ này đã ổn định và tăng trưởng trong suốt 10 năm qua. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã thay đổi sức mạnh kinh tế, nhưng mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Israel vẫn đang ngày càng mạnh mẽ.

Thương mại song phương giữa hai quốc gia cũng đang tăng trưởng ổn định qua năm tháng, với gần 1,5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022 và các con số đang tiếp tục tăng lên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Israel và Việt Nam cũng đang thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng chia sẻ thông tin để tìm hiểu kỹ hơn về thị trường hai nước trong các lĩnh vực khác nhau.

Thực tế, có thể thấy, Israel và Việt Nam có rất nhiều lợi thế về thị trường chung. Hiện nay, Israel là trung tâm đổi mới công nghệ được đánh giá cao trên thế giới; trong khi Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng với những ưu thế nổi bật với quá trình hơn 30 năm chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và hiện nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Có thể nói, Việt Nam và Israel là hai thị trường bổ sung cho nhau, từ đó cả hai bên có thể tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội phát triển từ thị trường của nhau.

Xin ông cho biết những đóng góp của đại diện thương mại Israel tại Việt Nam vào quá trình đàm phán FTA này?

Quá trình đàm phán, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel đã hỗ trợ và tập trung vào các cuộc đàm phán với Việt Nam. Những người làm công tác xúc tiến thương mại Israel tại Việt Nam đã tham gia vào việc giải quyết các vấn đề và câu hỏi liên quan trong quá trình đàm phán. 7 năm qua là minh chứng cho những đóng góp của phòng thương mại Israel tại Việt Nam vào quá trình đàm phán FTA. Đội ngũ thương mại của chúng tôi thường xuyên nhận được thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp Việt Nam và Israel tìm hiểu về điều kiện kinh doanh. Các vấn đề này được tập trung và chuyển đến đội đàm phán để đảm bảo rằng chúng tôi hỗ trợ một cách tốt nhất cho quá trình đàm phán.

Theo ông, trong tương lai gần, khi VIFTA được ký kết sẽ mở ra những cơ hội nào cho doanh nghiệp hai bên trong thúc đẩy phát triển kinh tế?

Với VIFTA, việc đầu tư và hợp tác giữa các doanh nghiệp Israel và Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn. Với sự hỗ trợ của FTA, các doanh nghiệp Israel có thể dễ dàng mở nhà máy hoặc hợp tác với các nhà máy địa phương tại Việt Nam. Đối với các công ty Việt Nam, việc tìm kiếm và thành lập trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), đầu tư vào trung tâm R&D tại Israel hoặc hợp tác với một tổ chức R&D tại Israel cũng sẽ dễ dàng hơn, điều này sẽ giúp đầu tư ở cả hai quốc gia trở nên an toàn hơn và dễ dàng hơn để thực hiện.

Israel là trung tâm công nghệ phần mềm, vì vậy Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi tiếp cận với tư duy phát triển nhanh và sáng tạo của Israel. Việt Nam không chỉ là thị trường 101 triệu người cho các công ty Israel, mà còn là cơ hội tốt nhất để mở rộng thị trường cho 600-700 triệu người ở các quốc gia ASEAN. Điều này sẽ có lợi cho Chính phủ Việt Nam vì đã ký nhiều thỏa thuận thương mại trong nhiều năm và khi ký kết, các công ty Israel sẽ có nhiều lợi thế và Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến trung gian giữa các thị trường khác trong khu vực.

Hiện nay, việc hợp tác giữa Israel và Việt Nam đang diễn ra rất tích cực, với nhiều mặt hàng được xuất nhập khẩu giữa hai nước như điện thoại di động, dệt may, nông nghiệp, hóa chất, máy móc…

Chúng ta không thể nói chắc rằng ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận, vì điều này sẽ phụ thuộc vào thị trường và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận được ký kết, việc tiếp cận thị trường sẽ dễ dàng hơn và sự cân bằng sẽ được tạo ra, giúp các doanh nghiệp Israel và Việt Nam cạnh tranh tốt hơn và làm việc tự do hơn trên thị trường.

Ông có lời khuyên nào đối với doanh nghiệp hai nước trong phát triển, hợp tác kinh tế hai bên?

Đề xuất tốt nhất của tôi là cần kiên trì, kiên nhẫn và tập trung trong dài hạn. Tôi nghĩ cả hai thị trường đều có tiềm năng lớn tuy nhiên rất đặc biệt và cần thời gian để nắm vững văn hóa kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ mất thời gian để học cách đáp ứng với các điều chỉnh giữa hai thị trường khác nhau.

Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Israel cần có nhận thức rõ về thị trường 2 bên. Đáng lưu ý nhất, doanh nghiệp Việt Nam và Israel cần dành thời gian để tìm hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng và các đối tác ở nước sở tại nhằm tìm hiểu giá trị cần thiết khi tiến vào thị trường mới.

Với cương vị là Tham tán thương mại Israel tại Việt nam, ông mong chờ thời điểm nào sẽ ký kết FTA giữa hai nước?

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đang có một mối quan hệ làm việc rất chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, tôi không thể đưa ra cam kết FTA có thể sớm được kí vì có rất nhiều bước và yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ được ký kết trong năm 2023 và có hiệu lực từ năm 2024.

Nguồn: Báo Công Thương