Tin tức

RCEP sẽ có hiệu lực tại Philippines vào ngày 2/6 năm nay

24/04/2023    160

Bộ Ngoại giao Philippines thông báo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực tại Philippines từ ngày 2/6 tới đây.

Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại lớn giữa 15 nền kinh tế ở khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực tại Philippines từ ngày 02/6 tới.

Theo đó, trong cuộc họp báo đầu tiên của Ủy ban Giám sát Đặc biệt của Thượng viện về Hiệp định RCEP, Bộ Ngoại giao Phillippines cho biết hiệu lực RCEP sẽ bắt đầu sau 60 ngày kể từ khi chính phủ ký gửi văn kiện phê chuẩn, được thực hiện vào ngày 3 tháng 4 vừa qua. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trước đây cho biết việc phê chuẩn RCEP vào tháng 2 đã lặp lại cam kết của Philippines về sự cởi mở và môi trường kinh doanh thịnh vượng. RCEP được coi là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Hiệp định được thiết kế để loại bỏ thuế suất - hoặc thuế áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu - đối với 90% hàng hóa giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm.

Trong cuộc họp ngày 18/4, Chủ tịch Thượng viện Pro Tempore Loren Legarda đã đặt câu hỏi với Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) và Bộ Nông nghiệp (DA) về các bước chuẩn bị trong nước được thực hiện kể từ khi phê chuẩn RCEP. DTI cho biết chính phủ cần ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đặc biệt là lệnh hành pháp thực hiện hiệp định RCEP từ văn phòng Tổng thống.

Một chương trình hướng dẫn về thương mại cũng sẽ được triển khai, hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và bổ sung kiến thức cho các doanh nghiệp về RCEP. Trước khi RCEP có hiệu lực, DTI cũng đang nhắm mục tiêu triển khai một hệ thống giám sát nhập khẩu nhằm phát hiện sự gia tăng đột biến của các sản phẩm nhập khẩu. Bộ này hy vọng hệ thống sẽ hoạt động vào “tuần thứ tư” của tháng 5.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết đã xác định các dự án và hoạt động để đảm bảo cải thiện năng suất của ngành và cạnh tranh trên thị trường. Một số nhóm nông nghiệp đã bày tỏ sự phản đối việc Philippines tham gia RCEP, khi họ cảnh báo về khả năng gia tăng các sản phẩm rẻ hơn có thể ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thành viên - gần một phần ba GDP của thế giới, bao gồm 15 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương: Australia, Brunei, Darussalam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngày 3/4, Cộng hòa Philippines đã gửi Văn kiện phê chuẩn Hiệp định RCEP cho Tổng thư ký ASEAN.

RCEP đã có hiệu lực tại Nhật Bản, Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand. Myanmar là quốc gia cuối cùng còn lại chưa phê chuẩn thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận bao gồm một số lĩnh vực hợp tác, với nhượng bộ thuế quan là một nguyên tắc trung tâm. Theo đó sẽ loại bỏ 90% thuế quan trong khối và những nhượng bộ này là chìa khóa để hiểu được những tác động ban đầu của RCEP đối với thương mại, cả trong và ngoài khối.

Trong khuôn khổ RCEP, tự do hóa thương mại sẽ đạt được thông qua việc cắt giảm thuế quan dần dần. Trong khi nhiều loại thuế sẽ được bãi bỏ ngay lập tức, một số khác sẽ được giảm dần trong thời gian 20 năm.

Tiến sĩ Sheng Lu của Đại học Delaware cho biết Philippines đang dần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng may mặc của nước này, đặc biệt là bằng cách tận dụng các hiệp định thương mại được thực hiện gần đây ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định RCEP bao gồm một số nền kinh tế lớn nhất châu Á, chiếm 16,4% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Philippines vào năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 5,7% của năm 2010. Ngoài ra, tỷ lệ tương đối nhiều hơn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở châu Á có thể dẫn đến các cơ hội xuất khẩu tiềm năng mới cho Philippines cũng như các nước xuất khẩu hàng may mặc khác.

Nguồn: Báo Công Thương