Tin tức

Giá cước vận tải tiếp tục giảm sâu trong đầu năm 2023

24/03/2023    294

Việc nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm sút do lo ngại khủng hoảng kinh tế và lạm phát ở mức cao khiến nhu cầu nhập khẩu của các nhà bán lẻ giảm sút. Điều này kéo theo giá cước vận tải tiếp tục giảm sâu trong đầu năm 2023.

Theo Reuters, giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm 2023 khi các nhà sản xuất và nhà phân phối gặp khó khăn trong việc giảm lượng hàng tồn kho và đối phó với lãi suất tăng. Trong khi đó, người tiêu dùng lại đang có xu hướng thận trọng hơn trong mua sắm. 

Lưu lượng container trong hai tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy chu kỳ thanh lý hàng tồn kho vẫn chưa kết thúc.

Các chuyến hàng container vận chuyển bằng đường biển của Singapore đã giảm trong tháng 2 giảm 6% so với cùng kỳ, đồng thời, đây là một trong những mức giảm mạnh nhất kể làn sóng dịch bệnh đầu tiên. 

Hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Nhật Bản qua sân bay Narita, đã giảm 33% trong tháng 1 sau khi giảm 24% so với cùng kỳ trong tháng 12.

Lượng hàng hoá xử lý tại sân bay Heathrow của London trong tháng 1 giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 11% trong tháng 12.  

Phản ứng với diễn biến này, giá cước vận tải đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đợt đại dịch đầu tiên, đạt đỉnh vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020, do khối lượng giảm và công suất dư thừa xuất hiện.

Cước phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Bờ Tây Mỹ bằng đường biển trong tháng 3 khoảng 1.000 USD/FEU (đơn vị đo lường sức chứa hàng hóa của container có chiều dài 40 feet), giảm mạnh từ mức 16.000 USD/FEU của cách đây một năm. 

Cước tàu từ Trung Quốc đến Bắc Âu đã giảm xuống dưới 1.400 USD/FEU so với gần 14.000 USD một năm trước, dựa trên chỉ số Freightos Baltic Exchange.

Hầu hết các container vận chuyển được chuyển vào nội địa bằng đường bộ hoặc đường sắt nên số lượng container được chuyển cũng giảm mạnh.

Tại Mỹ, số lượng container vận chuyển trên các tuyến đường sắt chính trong 10 tuần đầu tiên của năm 2023 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. 

Chỉ số container thế giới tổng hợp của Drewry tính đến ngày 23/3 là 1.757 USD/FEU, giảm mạnh so với mức 8.832 USD/FEU so với cùng kỳ năm ngoái. 

Sự sụt giảm trong vận chuyển hàng hóa là do mức độ chi tiêu của người dân bị thắt chặt lại do kinh tế khó khăn. Điều này trái ngược so với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp về sự phục hồi sau đại dịch, mức độ tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng lên.

Sự đảo ngược đó đã khiến các nhà sản xuất và nhà bán lẻ bất ngờ bởi trước đó họ đã tích trữ lượng lớn hàng tồn kho để chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch thế nhưng hiện họ lại không thể tiêu thụ được.

Gần đây, lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và triển vọng kinh tế đen tối đã bắt đầu ảnh hưởng đến doanh số bán các mặt hàng đắt tiền, nhạy cảm với lãi suất như xe cộ, máy tính và các sản phẩm liên quan đến nhà ở.

Kể từ đầu tháng 3, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Bắc Mỹ và Châu Âu có khả năng thắt chặt các điều kiện tín dụng và làm sâu sắc thêm sự sụt giảm trong ngắn hạn.

Trì hoãn mua hàng tiêu dùng lâu bền là một trong những cách dễ dàng nhất để các doanh nghiệp và hộ gia đình giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền mặt.

Do đó, có vẻ như việc thanh lý hàng tồn kho và hành vi thận trọng của người mua sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa trong ít nhất là quý II.

Sau đó, sự phục hồi vận tải hàng hóa phụ thuộc vào Mỹ, Châu Âu và các nền kinh tế lớn khác ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn diện.

Nguồn: Vietnambiz