Thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Vương quốc Anh
13/02/2023 460Việc khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – vương quốc Anh (UKVFTA) cùng với chuyển đổi tư duy và gia tăng năng lực về công nghệ trong sản xuất và thương mại...là những yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam đạt 3,36%, cao nhất trong nhiều năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại 8,67 tỷ USD. Nông sản Việt Nam được thị trường quốc tế đánh giá cao.
Sản xuất nông nghiệp Việt Nam gắn với việc giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam hiện đã giảm mạnh lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly thuốc được giám sát chặt chẽ. Nền tảng sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, các mô hình sản xuất giảm phát thải trong thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt đã được thực hiện.
Sự tiếp cận theo hướng "Một sức khỏe" được áp dụng trong sản xuất chăn nuôi. Theo Tổ chức Nông lương thế giới, khái niệm này thể hiện những cố gắng trong sự phối hợp đa ngành ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và khu vực để đạt được một sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu. Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh từ đầu năm 2021 đến nay tăng trưởng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – vương quốc Anh (UKVFTA).
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh trong tháng 12/2022 đạt 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê tăng 61,1%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 23,6%...
Thương vụ Việt Nam tại Anh đánh giá, nếu không có UKVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ khó có mức tăng trưởng như năm qua. Theo cam kết sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hiệp định này đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Trước đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi hay Ấn Độ.
Ông Tiến đề nghị Anh hợp tác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam do Anh là quốc gia đạt được nhiều thành tựu về công nghệ. Đề nghị phía Anh hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho cán bộ, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2022, ngành nông nghiệp đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp toàn ngành, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn; áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào; sử dụng giống lúa thơm, chất lượng cao và chủ lực xuất khẩu; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%...
Về công nghệ, năm 2022, Bộ Công thương cũng đã đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác/sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba, JD, Sea Group… để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đó, các sản phẩm đặc sản Việt Nam do doanh nghiệp sản xuất sẽ có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử thông qua các hình thức B2B, B2B2C đến với các thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.
Anh có lợi thế về năng lượng tái tạo và năng lượng gió, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và cần sự hỗ trợ hợp tác của Anh. Bên cạnh đó, các phương thức tổ chức sản xuất của Anh tại các nông trại là bài học kinh nghiệm rất quý với Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh Greg Hands khẳng định, Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Ông Greg hy vọng trong thời gian tới, hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa để phát triển thương mại nông sản giữa hai nước.
Nguồn: TheLEADER
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024