Tin tức

Kỳ vọng tương lai tươi sáng hơn cho kinh tế châu Á

30/01/2023    75

2023 được dự báo tiếp tục là năm tương đối thách thức với các nền kinh tế châu Á, dù vậy so với những nơi khác, triển vọng tăng trưởng khu vực này có phần lạc quan hơn.

Trong bức tranh tổng thể ảm đạm của kinh tế thế giới năm 2022, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng không tránh khỏi các “cơn gió ngược” tác động lên sự phục hồi và tăng trưởng. Đó là lạm phát tăng kéo theo việc thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga - Ukraine, và kinh tế Trung Quốc (TQ) giảm tốc.

Dù vậy, trong khi các nước châu Âu chìm trong tình trạng lạm phát tăng phi mã, khủng hoảng năng lượng trầm trọng và tăng trưởng kinh tế chậm lại thì châu Á nổi lên như một điểm sáng tương đối. Tiêu biểu như Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong hơn 10 năm qua, Singapore tăng trưởng 3,8% hay Ấn Độ vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu.

Đã sang năm 2023 nhưng các thách thức của năm cũ vẫn còn đó. Với kinh tế châu Á, bên cạnh các dự báo tương đối lạc quan, cần thiết lưu ý tới những dự đoán thận trọng, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm và các nền kinh tế lớn đứng trước bờ vực suy thoái.

Lạc quan tương đối

Tín hiệu lạc quan nhất, đến thời điểm này, đa số dự báo cho rằng châu Á sẽ không rơi vào suy thoái trong năm 2023. Điều này đem đến những “tia hy vọng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo hôm 1-1 rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, do các động lực chính của tăng trưởng thế giới đều đang trong giai đoạn suy yếu.

Trong báo cáo dự báo mới đây về tình hình kinh tế châu Á năm 2023, Công ty phân tích tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) đánh giá các quốc gia châu Á đang trên đà phục hồi, tăng trưởng toàn khu vực sẽ tăng từ mức 3,2% trong năm 2022 lên 3,5% vào năm 2023. S&P Global Market Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính - Mỹ) cũng dự báo các nền kinh tế châu Á, vốn tạo ra 35% GDP của thế giới, sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu trong năm nay ở mức 3,5%, trong khi châu Âu và Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái. Điều này nhờ sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh. Còn IMF trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 10-2022 dự báo châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng 4,3% trong năm 2023, trong khi nền kinh tế toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng 2,7%.

Việc TQ - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa sẽ tạo động lực mới cho sự phục hồi của khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung. Nhiều ngân hàng dự báo tích cực về triển vọng kinh tế TQ trong năm 2023, xuất phát từ tốc độ mở cửa nhanh và các biện pháp kích thích từ chính quyền Bắc Kinh, theo đài CNN. Giữa tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế TQ năm 2023 lên mức 5,2% so với mức 4,5% dự báo trước đó. Ngân hàng Societe Generale (Pháp) điều chỉnh ước tính tăng trưởng của TQ lên 5,3%, còn Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) tăng dự báo lên 5,4%.

TQ mở cửa cũng đem lại tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch khu vực. Theo các nhà phân tích, những ngành công nghiệp và quốc gia phụ thuộc nhiều vào du khách TQ sẽ có sự tăng trưởng trong năm 2023 này. CNN dẫn dự đoán của các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs rằng Hong Kong, Thái Lan, Việt Nam và Singapore là những nơi được hưởng lợi lớn nhất nếu du khách TQ quay trở lại mức năm 2019. Ngoài ra, nghiên cứu của Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Campuchia, Mauritius, Malaysia, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka, Hàn Quốc và Philippines cũng sẽ hưởng lợi từ làn sóng du khách TQ.

Cuối tháng 12-2022, Nhật nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lên 1,5% so với mức 1,1% dự báo hồi tháng 7-2022. Quy mô GDP danh nghĩa dự báo đạt 571.900 tỉ yen (khoảng 4.3340 tỉ USD) trong tài khóa 2023, vượt mức trước đại dịch, theo hãng thông tấn Kyodo News. Theo báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế tháng 12-2022 của Ngân hàng Phát triển Thế giới (ADB), xuất khẩu ròng của Nhật được dự báo sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 khi đồng yen yếu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và du lịch trong nước. Tiết kiệm cao và tăng trưởng tiền lương vừa phải sẽ hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình dù lạm phát tăng. Dù vậy, ADB dự báo tăng trưởng của Nhật trong năm 2023 chỉ ở mức 1,3%, thấp hơn mức dự báo của chính phủ.

Ấn Độ được xem là “điểm sáng” tương đối của nền kinh tế thế giới. Bộ Thống kê và Thực thi chương trình Ấn Độ tính toán tăng trưởng GDP nước này đạt mức 7% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023. Với mức tăng trưởng này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai, sau Saudi Arabia, trong nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20). Theo bà Upasana Chachra - nhà kinh tế trưởng thị trường Ấn Độ của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, “Ấn Độ có các điều kiện sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế, được thúc đẩy nhờ hoạt động đầu tư vào sản xuất cũng như đầu tư ra nước ngoài và chuyển đổi năng lượng”.

Cần thận trọng

Theo dự báo, nhìn chung châu Á trong năm 2023 sẽ tránh được suy thoái và có tăng trưởng nhưng Moody’s Analytics cũng cảnh báo phần lớn các nền kinh tế trong khu vực sẽ chứng kiến sự giảm tốc trong năm 2023 do đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu.

Các nền kinh tế xuất khẩu sẽ phải đối mặt với việc suy giảm nhu cầu từ các nước châu Âu và Mỹ trước nguy cơ suy thoái. Nhu cầu yếu từ TQ cũng sẽ cản trở sự tăng trưởng của khu vực. Lãi suất sẽ vẫn ở mức cao do các ngân hàng trung ương khu vực có thể tăng lãi suất theo động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm bảo vệ tỉ giá hối đoái và kiềm chế lạm phát, dù lạm phát ở khu vực khả năng sẽ giảm dần trong năm 2023. Giữa tháng 12-2022, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB - ông Albert Park thận trọng cho rằng châu Á “các điều kiện toàn cầu xấu đi có nghĩa là động lực của khu vực đang dần mất đi”.

Với môi trường đầy thách thức kể trên, đài DW dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), IMF và ADB rằng những nền kinh tế định hướng thương mại như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng từ sự chậm lại của kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Park khuyên “các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để vượt qua những thách thức dai dẳng của đại dịch COVID-19, đối phó với các tác động từ việc giá lương thực và năng lượng tăng cao, cũng như đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn diện và bền vững”.

Với TQ, đầu tàu kinh tế khu vực, IMF chỉ ra ba rủi ro đối với tăng trưởng nước này trong năm 2023, gồm tác động kéo dài của chính sách “zero-COVID”, đình trệ thương mại toàn cầu, nguy cơ suy giảm đáng kể thị trường bất động sản, theo tạp chí The Diplomat.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc IMF Georgieva lo ngại rằng trong vài tháng tới TQ sẽ gặp khó khăn khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh và điều này tác động tiêu cực đến tăng trưởng không chỉ TQ mà còn cả khu vực và thế giới. Hãng Bloomberg cũng nhận định rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ là chìa khóa tăng trưởng toàn khu vực và điều này phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TQ và mức độ cải thiện hoạt động chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh