Tin tức

Giữ vững vị thế xuất siêu nhờ các FTA

06/01/2023    151

Mặc dù có nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu tại nhiều thị trường. Kết quả này có được đến từ sự nỗ lực của các ngành kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong việc khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tìm “lối thoát” trong mọi khó khăn

Báo cáo mới đây của một số thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, vấn đề lạm phát, biến động giá hàng hoá, dấu hiệu suy thoái qua một số chỉ số kinh tế ở nhiều thị trường… đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vậy, động thái cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu hay những điều kiện khắt khe từ thị trường nhập khẩu vẫn là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước.

Lấy đơn cử như ngành thực phẩm và đồ uống. Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) cho hay, những cam kết để xuất khẩu hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ngày càng khắt khe, chẳng hạn như việc áp dụng các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, khai thác nông nghiệp… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có phương án và giải pháp để khắc phục, chủ động trước mọi cơ hội mà FTA mang lại.

Do vậy, hiện các doanh nghiệp đều đang cố gắng tìm mọi giải pháp, kể cả những “khe cửa” hẹp nhất để tăng thị phần và năng lực xuất khẩu. Lấy ví dụ với mặt hàng gạo xuất khẩu, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Để đạt được kết quả này, các thương hiệu gạo thơm Việt Nam đã liên tiếp vào được các thị trường lớn. Chẳng hạn, để tận dụng EVFTA, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và EUTEK Group đã ký kết phân phối độc quyền gạo “Ông Cua ST25” tại thị trường Anh. Hay Tập đoàn Lộc Trời đã tận dụng phương thức xuất khẩu qua hệ thống siêu thị bán lẻ tại Pháp là E.Leclerc để đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Vietnam Rice” vào EU.

Trong khi đó, với mặt hàng dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, áp lực lạm phát và sức mua các nước lớn giảm… đã khiến các doanh nghiệp càng phải nỗ lực gia tăng tận dụng cơ hội từ FTA trong việc đa dạng hoá thị trường và tìm thị trường mới. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng… để giúp Việt Nam xuất khẩu được sang 66 nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các chương trình phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp Việt Nam đã giúp giữ ổn định, phát triển, đồng thời thu hút các nhãn hàng chọn Việt Nam làm đối tác.

Với Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ, nhằm nắm bắt nhu cầu thị trường sẽ xoay chuyển sang các sản phẩm gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mở rộng công suất nhà máy Unitex với mục tiêu tăng tỷ trọng sợi tái chế. Đại diện Sợi Thế Kỷ đặt kỳ vọng, đóng góp của sợi tái chế sẽ tăng hơn nữa vào năm 2023, khi nhà máy bắt đầu hoạt động vào quý 4/2023, từ đó cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, để khắc phục khó khăn từ thị trường xuất khẩu chủ lực đang gặp khó, không ít doanh nghiệp đã tự tìm được “lối thoát” bằng cách “bắt tay” với những đối tác lớn và uy tín để thúc đẩy xuất khẩu. Đơn cử, Công ty cổ phần Gỗ An Cường đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Sumitomo Forestry America cung cấp toàn bộ nội thất cho các dự án mà công ty này đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi, với mục tiêu doanh số sẽ tăng lên 50 triệu USD vào năm 2025.

Chủ động trước cơ hội

Những nỗ lực trên của các doanh nghiệp đã mang lại thành quả rất đáng kể trong năm 2022. Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP trong 10 tháng năm 2022 đạt hơn 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Với EVFTA, xuất siêu sang EU 11 tháng năm 2022 đạt 29,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2021; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang thị trường EU là 18,6%, còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng vào thị trường CPTPP.

Một FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao nữa là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), sau gần 2 năm có hiệu lực, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực và là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, may mặc, giày dẹp… tăng trưởng 2 con số và có những mặt hàng tăng đến 100%...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả tận dụng FTA đang rất tốt nhưng tính chủ động của doanh nghiệp của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận các đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng; hoặc doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh do năng lực còn hạn chế dù đã hiểu biết về FTA…

Vì thế, từ thực tiễn và yêu cầu mới đặt ra từ các thị trường xuất khẩu và để tận dụng tốt cơ hội từ FTA, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi; đồng thời tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường… cũng như thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan