Tin tức

Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức mới từ thị trường EU

26/12/2022    79

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang EU đang trên đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, với những quy định, rào cản thương mại mới mà thị trường này đề ra, đòi hỏi các DN xuất khẩu Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực để chủ động, linh hoạt ứng phó.
Những rào cản mới trong năm 2023

Không phủ nhận nhiều DN Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU ngày càng gắt gao.

Đơn cử như xuất khẩu các ngành hàng nông, lâm sản, các nhà khai thác và thương nhân phải chứng minh rằng sản phẩm đều không liên quan đến phá rừng (được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020) và hợp pháp (tuân thủ tất cả luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất).

Các DN cũng được phía nhà nhập khẩu EU yêu cầu thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp nơi các loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng, để những hàng hóa này có thể được kiểm tra xem có tuân thủ hay không. Các quốc gia thành viên trong EU cần đảm bảo rằng việc không tuân thủ những quy tắc sẽ dẫn đến hình phạt hiệu quả và có tính răn đe.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một quy định khá khó khăn, bởi nếu muốn đạt được yêu cầu này thì Việt Nam phải có được một hệ thống xuất xứ nguồn gốc đến từ nông hộ và đến từng vườn trồng, thì mới có thể chứng minh được với thị trường EU đây là sản phẩm không đến từ những vùng trồng phá rừng.

Theo Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, các rào cản từ EVFTA với DN vừa và nhỏ của Việt Nam là tương đối lớn. Chẳng hạn như ngành hàng chủ lực là dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép thỏa thuận đối tác tự nguyện; quản trị rừng và lâm nghiệp; các tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị và phát thải CO2…

Hay mới đây nhất các quốc gia thành viên EU thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, nghĩa là đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại ngay trong năm 2023.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Đưa ra khuyến nghị đối với DN Việt, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, bên cạnh việc đáp ứng điều kiện nhập khẩu của EU, thuế quan cũng là một vấn đề các DN cần tìm hiểu kĩ trong năm 2023.

Từ nhiều năm nay, EU đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo quy định của EU về GSP khi có hiệp định thương mại từ do (FTA), Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nghĩa là đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2023, cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, DN áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

“Trong vòng 5 năm tới, các DN vẫn được phép lựa chọn mức thuế nào ưu đãi hơn thì sử dụng, nhưng cơ chế về quy tắc xuất xứ là theo EVFTA. Do đó, các DN cần hiểu rõ để tận dụng cơ hội của EVFTA như việc nắm bắt quy định về xuất xứ và theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng” – bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý.

Bên cạnh đó, vấn đề tiêu chuẩn về lao động của thị trường EU trong EVFTA cũng khiến nhiều DN khó khăn trong việc thích ứng. Phân tích về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, người lao động có nguy cơ mất việc làm do trình độ kỹ năng thấp nhưng đây cũng là cơ hội cho các DN thay đổi để có cơ hội phát triển và được hưởng các điều khoản của EVFTA. Cơ hội cho lao động Việt là chuyển giao chương trình đào tạo, mô hình đào tạo và đặt hàng với các trường nghề trong khu vực, chuyển giao công nghệ đào tạo.

Để thực thi có hiệu quả hơn EVFTA trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng DN, tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép, lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng này.

Bộ Công Thương cũng sẽ tham mưu với Chính phủ về các chính sách hỗ trợ DN nhiều hơn nữa về thông tin thương mại của thị trường EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho DN. Qua đó, hỗ trợ DN tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng cũng như nâng cao năng lực ứng phó với các quy định, rào cản và những vấn đề phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu.

Nguồn: Báo điện tử Kinh tế & Đô thị