Đừng để xuất khẩu thụt lùi vì bao bì thiếu hàm lượng tái chế
23/12/2022 59Những chính sách mới tại các thị trường mục tiêu có liên quan đến bao bì với yêu cầu “xanh hoá”, tập trung vào hàm lượng tái chế, đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần biết rõ để tránh những trường hợp hàng hoá xuất đi lại bị từ chối. Tuy vậy, ở Việt Nam, việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn dán của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế.
Thương vụ Việt Nam tại Canada gần đây có khuyến cáo, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam cần lưu ý đến các quy định mới về rác thải nhựa của Canada.
Coi chừng lệnh cấm
Bởi lẽ, theo lộ trình, bắt đầu từ tháng 12/2022, Canada cấm nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi đi chợ, dao dĩa nhựa, bát đĩa nhựa dùng một lần…Ngoài ra, từ tháng 6/2023, nước này sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm đồ uống có ống hút và tay xách nhựa và sẽ cấm bán hoàn toàn các sản phẩm này từ 6/2024.
Không chỉ vậy, Chính phủ Canada trong năm 2023 sẽ xây dựng các quy chuẩn ghi nhãn mới liên quan đến dấu hiệu “có thể tái chế” trên sản phẩm và các quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa có thể tự huỷ. Sau khi có quy chuẩn này, Canada chắc chắn sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc cấm nhập khẩu các sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế.
Đó là lý do mà một số nhà nhập khẩu hàng hoá Việt Nam sang Canada đang lên kế hoạch chuyển đổi bao bì trong năm 2023 sắp tới. Chẳng hạn như Công ty Basse (một DN sản xuất, đóng gói các loại hạt và mứt trái cây lớn của Canada) - chuyên nhập khẩu hàng sơ chế từ Việt Nam và đóng gói tại Canada theo các hợp đồng gia công OEM, đang tiến tới lập nhà máy tại Việt Nam, đóng gói tại Việt Nam và rất quan tâm đến khả năng thiết kế và sản xuất bao bì của Việt Nam.
Theo phía Thương vụ, trước các yêu cầu mới đối với bao bì sản phẩm nhựa sẽ tập trung vào hàm lượng tái chế thì Canada sẽ hạn chế các sản phẩm sử dụng bao bì nhiều lớp nếu không cần thiết. Cho nên, các DN bán lẻ khi nhập hàng vào Canada chắc chắn sẽ đặt ra các yêu cầu này với các nhà sản xuất của Việt Nam. Vì vậy, các DN cần hợp tác trước sự thay đổi này.
Trong khi đó, tại hội thảo bàn về xu hướng mới trong đóng gói, bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu (XK) do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM ngày 22/12, vấn đề được lưu tâm là đối với các sản phẩm XK thì các DN Việt cần biết rõ các yêu cầu tại thị trường mục tiêu liên quan đến bao bì để tránh những trường hợp hàng bị từ chối. Tuy vậy, ở Việt Nam, việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn dán của các DN vẫn còn rất hạn chế.
Giới chuyên gia cảnh báo thách thức cho các nhà XK của Việt Nam là nhiều quốc gia nhập khẩu đang có những chính sách mới với việc tăng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và hàm lượng tái chế đối với bao bì sản phẩm.
Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay trên thị trường XK, ngoài các yếu tố như chất lượng hay giá cả hàng hóa thì những loại bao bì có liên quan đến môi trường, đến kinh tế tuần hoàn ngày càng chiếm một vai trò quan trọng, tác động lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng quốc tế.
Không thích ứng là “tự sát”
Một số nghiên cứu cho thấy, những loại bao bì, chất liệu bao bì thân thiện môi trường, có hàm lượng tái chế là yếu tố được số đông người tiêu dùng trên nhiều quốc gia ủng hộ, chọn mua.
Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng đây là vấn đề nóng của thế giới, việc sử dụng bao bì tái chế là điều mà các DN cần phải thực hiện.
Theo ông Việt Anh, quan điểm chung của thế giới hiện nay là hướng đến kinh tế tuần hoàn, tức là tái sử dụng lại tất cả những sản phẩm của mình (trong đó có bao bì). Đây là yêu cầu quan trọng hơn so với những sản phẩm thân thiện với môi trường, vẫn đưa ra môi trường nhưng lại không tái sử dụng lại.
“Hoạt động XK của chúng ta có độ mở rất lớn với thế giới. Cho nên, trong vấn đề về bao bì, thế giới có quy định gì, có phong trào gì thì chúng ta cũng phải tuân thủ theo. Đặc biệt là những quốc gia thành viên của COP (Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu). Như ở châu Âu đã đưa vào luật những gì liên quan đến kinh tế tuần hoàn, liên quan đến tái chế, và chúng ta cũng gặp thách thức với chuyện này, khi luật của họ có thưởng, có phạt và làm rất nhanh”, vị tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn lưu ý.
Không những thế, như quan điểm của ông Trần Việt Anh, đặc biệt với những DN nào không đạt chuẩn trong quá trình tham gia hội nhập và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà liên quan đến kinh tế tuần hoàn và hàm lượng tái chế thì sẽ không thể tham gia vào hoạt động XK trong thời gian tới.
“Và một khi DN không tham gia được vào hoạt động XK thì sẽ không tham gia ngay tại thị trường trong nước. Chúng ta không nên xây dựng những DN mà làm đủ chuẩn để XK nhưng trong nước lại làm theo chuẩn khác. Điều này đòi hỏi sự đồng nhất và DN phải sống trên một quy định, trên một quy trình sản xuất, là sản phẩm phải như nhau”, ông Trần Việt Anh chia sẻ thêm.
Nói chung, trước những thách thức lớn trên thị trường XK đối với các yêu cầu mới về bao bì sản phẩm, nếu các DN Việt không thích ứng, chậm thay đổi, chưa có chiến lược đúng về bao bì “xanh hoá”, chưa tập trung vào hàm lượng tái chế thì xem như “tự sát”, thị trường XK sẽ rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài biết thích ứng nhanh hơn, tốt hơn.
- Ông Trump bác tuyên bố của Trung Quốc về việc không có đàm phán thương mại
- Trung Quốc bác bỏ tin đồn đàm phán thương mại với Mỹ
- Ông Trump dọa áp lại thuế đối ứng sau 2-3 tuần nữa
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia vào thị trường EU?
- Mỹ đánh giá cuộc điện đàm về thuế quan với Việt Nam là hiệu quả