Tin tức

Nhật Bản, Hà Lan theo chân Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ chip cho Trung Quốc

14/12/2022    70

Nhật Bản và Hà Lan đã nhất trí về nguyên tắc với Mỹ trong việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu máy móc sản xuất chip tối tân cho Trung Quốc, theo Bloomberg News dẫn nguồn thạo tin hôm 12.12.

Ngày 7.10, Mỹ ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế năng lực của Trung Quốc trong việc mua và sản xuất những dòng chip công nghệ cao sử dụng trong quân sự, khiến quan hệ song phương thêm căng thẳng.

Cụ thể, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố một loạt các điều khoản nhằm chặn đứng việc xuất khẩu sang Trung Quốc công nghệ sản xuất chip và những dòng chip cụ thể được sản xuất bằng máy móc của Mỹ tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Bên cạnh một số nhà cung cấp Mỹ, Hãng Tokyo Electron Ltd (Nhật Bản) và ASML Holdings, công ty Hà Lan cung cấp máy in thạch bản lớn nhất thế giới được sử dụng trong sản xuất chip tiên tiến, là hai công ty vô cùng cần thiết nếu muốn các biện pháp hạn chế xuất khẩu trên có hiệu lực.

Đó là lý do tại sao sự tham gia của hai chính phủ Nhật Bản và Hà Lan đóng vai trò then chốt cho nỗ lực của Mỹ, theo Bloomberg News hôm 12.12.

Các nguồn thạo tin cho hay những biện pháp cấm vận mới liên quan đến chip điện tử có thể được công bố trong vài tuần nữa.

Giới hữu trách Hà Lan và Nhật Bản chưa bình luận về thông tin trên.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số dòng chip sử dụng cho siêu máy tính, đồng thời siết chặt những yêu cầu liên quan đến các thương vụ bán thiết bị bán dẫn.

Mục tiêu là nhằm ngăn chặn “các công nghệ nhạy cảm và có ứng dụng quân sự” rơi vào tay quân đội, cơ quan tình báo và an ninh Trung Quốc, theo AFP dẫn lời quan chức Bộ Thương mại là ông Alan Estevez.

Động thái của Mỹ đã làm phức tạp hơn nỗ lực của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh ngành sản xuất bán dẫn nội địa và phát triển các hệ thống quân sự tối tân. Quyết định trên cũng được đưa ra trước thời điểm Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng để bầu chọn bộ máy lãnh đạo nước này trong 5 năm kế tiếp.

Ngành sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn là chủ đề cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lúc hai nước tranh giành vị thế thống trị trong mảng công nghệ.

Theo báo cáo nghiên cứu hồi tháng 6.2022 từ Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, Mỹ phát hiện quân đội Trung Quốc vẫn đang dựa nhiều vào công nghệ của Mỹ và năng lực sản xuất chip tiên tiến ở Đài Loan, Hàn Quốc.

Trong số 97 chip AI riêng lẻ xác định được trong hồ sơ, gần như tất cả đều được thiết kế bởi Nvidia, Xilinx (hiện là AMD), Intel hoặc Microsemi.

Báo cáo không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ công khai nào về các đơn vị hoặc doanh nghiệp quốc phòng nhà nước đặt hàng chip AI cao cấp do các công ty Trung Quốc như HiSilicon (Huawei), Sugon, Sunway, Hygon hoặc Phytium thiết kế.

Nguồn: Báo Thanh Niên