Tin tức

Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung và ‘chiến trường’ bán dẫn

28/11/2022    161

Sự nổi lên của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt là trong ngành bán dẫn đe dọa thế nào đến Mỹ, và Mỹ đã làm những gì để ngăn Trung Quốc chiếm thế thượng phong?

Ngày 26-11 tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) diễn ra hội thảo khoa học Quốc gia “Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao” do Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc trường ĐH KHXH&NV phối hợp tổ chức cùng Viện Nghiên cứu châu Mỹ.

Phát biểu khai mạc, TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV cho rằng trong 10 năm qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ) đã thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường ngày càng trở nên gay gắt trên nhiều lĩnh vực và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ chi phối mọi mặt cuộc sống, sự cạnh tranh này không chỉ là chuyện của hai cường quốc mà có tác động trên toàn cầu. Do đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu chiến lược Mỹ-Trung, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, bao gồm học giả, chính khách.

TS. Bùi Hải Đăng – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế (ĐH KHXH&NV) cho biết hội thảo thu hút 31 bài báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Theo TS. Đăng, khoa học và công nghệ là lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt, mang tính chiến lược, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các cường quốc và đây cũng có khả năng trở thành chiến trường chính trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.

Theo các nhà nghiên cứu, cạnh tranh Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ đã có từ lâu nhưng thực sự chỉ nổi lên kể từ Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền năm 2016.

Lúc này, Mỹ bắt đầu xác định TQ là quốc gia đang tìm cách thách thức vị thế của Mỹ, coi năng lực công nghệ TQ là mối đeo dọa sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, đặc biệt là kế hoạch Made in China 2025.

Nỗ lực và mục tiêu lớn của Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu đều có cùng quan điểm là TQ có tốc độ phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng và đang thách thức vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này của Mỹ.

PGS.TS Cù Chí Lợi của Viện Nghiên cứu châu Mỹ cho rằng lý do TQ phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng là do nước này nghiêm túc, quyết liệt trong việc triển khai chiến lược và đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, thể hiện qua các kế hoạch Made in China 2025, China Standards 2035. Một minh chứng nữa là chi phí nghiên cứu khoa học của TQ ngày càng tăng, gần như ngang ngửa với số tiền mà Mỹ bỏ ra trong vấn đề này.

Nói về kế hoạch Made in China 2025, TS Nguyễn Thành Trung - Giảng viên trường ĐH Fulbright cho biết đây là kế hoạch chiến lược của TQ do Thủ tướng Lý Khắc Cường ban hành vào năm 2015.

Mục tiêu chính của kế hoạch là giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng cường sự phát triển công nghệ của TQ trên thị trường toàn cầu, nỗ lực nâng ngành sản xuất TQ trong chuỗi giá trị. TQ hướng tới năm 2025 sẽ tự chủ lĩnh vực công nghệ tới 70% và vào năm 2049 thì sẽ dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.

TS Trung cho biết một trong những phương châm của kế hoạch này là xâm nhập ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu không thể xây dựng ngành này thì hãy mua nó, tức là bằng mọi giá phải làm chủ được lĩnh vực này.

‘Chiến trường’ bán dẫn và mối đe dọa cho Mỹ

Theo các chuyên gia, cuộc cạnh tranh công nghệ cao giữa hai siêu cường diễn ra ở nhiều mảng, trong đó nổi bật nhất là cạnh tranh về vi mạch hay còn gọi là chất bán dẫn.

Theo nhà nghiên cứu Đinh Trần Yến Nhi của Học viện Ngoại giao, chất bán dẫn là “yếu tố sống còn với kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ”. Còn đối với TQ, chất bán dẫn là “chìa khóa để nước này phát triển các thiết bị điện tử có tính cạnh tranh ngày càng cao và chiếm thị phần toàn cầu”.

TS. Nguyễn Thanh Hoàng – Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế (ĐH KHXH&NV) cho rằng có nhiều mối đe dọa cho Mỹ khi TQ đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp bán dẫn.

Về kinh tế, điều này đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ bán dẫn. Về an ninh, việc TQ phát triển nhanh trong công nghiệp bán dẫn đồng nghĩa với việc cải thiện năng lực quốc phòng của nước này, do đó có khả năng hiện thực hóa mục tiêu là trở thành quân đội mạnh nhất thế giới, thách thức vị thế và an ninh của Mỹ. Thêm nữa, hầu hết các hệ thống phòng thủ lớn của Mỹ đều dựa trên chất bán dẫn và nếu có thiệt hại về ngành này thì an ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa.

Những biểu đồ về thị trường chất bán dẫn, tỉ lệ nghiên cứu chất bán dẫn, năng lực sản xuất, sự dịch chuyển sản xuất chip mà TS. Hoàng đưa ra cho thấy sự phát triển nhanh chóng của TQ và ưu thế nước này ngày càng tăng trong ngành bán dẫn.

TS Hoàng cho biết trước năm 2019 thì Mỹ đã đầu tư 150.000 tỉ USD cho chính sách phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn. TQ cũng đưa ra con số tương tự, nhưng vào năm 2019 thì TQ đã cộng thêm khoảng 30 tỉ USD. Như vậy có thể thấy TQ đầu tư nhiều hơn Mỹ trong vấn đề này.

Theo TS Hoàng, chính quyền Mỹ đã từng xác định rằng nếu một quốc gia vượt Mỹ về ngành bán dẫn hoặc đột ngột cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận của Mỹ về con chip tiên tiến thì họ có thể chiếm thượng phong trên mọi lĩnh vực.

Phản ứng của Washington

Trước những nỗ lực mạnh mẽ của TQ trong cuộc cạnh tranh vị thế số một trong lĩnh vực công nghệ cao, Mỹ đã có những phản ứng quyết liệt tương xứng. Theo PGS.TS Lợi, chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đây và Tổng thống Joe Biden hiện tại đã có biện pháp đáp trả theo hai hướng. Một là tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và hai là ngăn đà tiến của công nghệ TQ bằng cách kiểm soát TQ tiếp cận công nghệ.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt động thái cụ thể từ thời chính quyền ông Trump nhằm ngăn chặn TQ phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là chất bán dẫn.

Theo nhà nghiên cứu Đinh Trần Yến Nhi, Mỹ đã hành động để giữ vững vị thế số một trên lĩnh vực chất bán dẫn bằng ba cách là chặn thương vụ mua bán dẫn, áp thuế đối các ngành nhập khẩu chất bán dẫn từ TQ và chặn các khoản đầu tư trong chất bán dẫn.

Có thể kể đến những ví dụ nổi bật là vào năm 2020, Mỹ cấm các công ty sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ để thiết kế và sản xuất chip cho Huawei, hạn chế Huawei tiếp cận các mặt hàng công nghệ của Mỹ, thêm nhà sản xuất chip hàng đầu của TQ là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) vào danh sách cấm vận.

Đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden ký ban hành đạo luật Chip và Khoa học, theo đó hạn chế sản xuất chip ở TQ và các nước, đồng thời dành 52 tỉ USD đầu tư vào ngành sản xuất chip trong nước.

Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh