Tin tức

Loay hoay đối sách giữa lúc hụt đơn hàng cuối năm

25/11/2022    34

Nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam đang “thấm thía” và loay hoay tìm đối sách trước tình hình hụt đơn hàng vào mùa cao điểm cuối năm. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xem xét lại sách lược thị trường, xem điểm mạnh, điểm yếu của mình để biết cách đi sắp tới sao cho hạn chế thiệt thòi và tăng ưu thế.

Dưới góc nhìn của một nhà xuất khẩu (XK) nông sản “chinh chiến” ở nhiều thị trường lớn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết xu hướng hiện nay trên thế giới là người tiêu dùng quay lại sử dụng hàng nội địa khi mà lạm phát tăng cao. 

“Thấm thía” trước khó khăn chung

Thay vì chọn những mặt hàng xa xỉ, mới lạ thì người tiêu dùng quốc tế cũng muốn sử dụng những mặt hàng rẻ hơn mà vẫn bổ dưỡng và chất lượng. Chính vì vậy, theo ông Tùng, đối với việc XK rau quả nói riêng hay việc XK những mặt hàng khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Từ bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Tổng giám đốc Vina T&T nhìn nhận một cách đơn giản là chỉ cần xem giá cước vận chuyển container bằng đường biển là biết được tình hình thay đổi như thế nào. 

Chẳng hạn, vào những thời điểm nhu cầu hàng hoá trên thế giới cần nhiều thì giá cước vận chuyển container có lúc bị đẩy lên đến 20.000 USD/container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ. Thế nhưng hiện nay, giá cước container từ Việt Nam đi bờ Tây của nước Mỹ chỉ còn khoảng 1.400 - 1.600 USD/container, tức là thấp hơn 10 lần.

“Điều này có nghĩa là thị trường thế giới đã xuống rất sâu. Và các nhà XK phải lưu ý trước tình hình như vậy. Tôi hy vọng quý 2/2023, tình hình sẽ ổn trở lại, nhưng còn từ nay cho đến quý 1/2023 vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan sau khi nhận báo cáo từ các tổ chức logistics phản ánh hàng hoá luân chuyển trên thế giới đang rất thấp”, ông Tùng chia sẻ.

Liên hệ khó khăn của thị trường thế giới tác động đến với doanh nghiệp (DN), ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), đã thú nhận rằng rất “thấm thía” với tình hình cực kỳ căng thẳng hiện nay đối với các DN XK nói chung.

Theo ông Mạnh, phần lớn những ngành hàng XK truyền thống nói chung đang đứng trước thử thách hết sức đáng ngại.

Thứ nhất là sức tiêu thụ trên thị trường truyền thống và những thị trường mà Việt Nam đang phát triển hiện giảm sút một cách rất nghiêm trọng. Gần như sức mua và các đơn hàng đối với các DN đã giảm trên dưới 50%. Xu hướng giảm này có thể còn tiếp diễn.

“Như vậy, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, cho dù cố gắng đến đâu đi nữa, nhưng đơn hàng không có sẽ còn biểu hiện rõ nét hơn bao giờ hết trong quý 1 và quý 2/2023”, ông Mạnh nói.

Thứ hai là vấn đề nội lực của các DN hiện nay. Theo đánh giá của Chủ tịch Sadaco, một trong những yếu tố hết sức quan trọng đối với các nhà XK là dòng tiền. Điều cảm nhận là dòng tiền đến với các DN nói chung có dấu hiệu đang bị tắc nghẽn.

Xem lại sách lược thị trường

Với hai vấn đề nêu trên, điều mà ông Mạnh kỳ vọng là các DN sẽ hướng đến những thị trường mới nổi trong các FTA thế hệ mới. Đơn cử như trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các DN có thể quan tâm đến thị trường Canada hoặc các thị trường tiềm năng như Peru, Chile.

Thực tế cho thấy tình hình khó khăn của thị trường thế giới tuy đã được dự báo sớm và không tránh khỏi, nhưng nhiều nhà XK trong các lĩnh vực như gỗ, may mặc, da giày, nông sản… vẫn rơi vào tình cảnh bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết. Thậm chí, phía đối tác còn hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận, chậm trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau.

Và một trong giải pháp không ai muốn nhưng rốt cuộc phía DN vẫn phải làm là chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có sự chứng minh luân chuyển dòng tiền. Thế nhưng, giới chuyên gia cảnh báo đó sẽ là vòng tròn đi xuống, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút mắc mứu trước mắt nhưng hệ quả thì khôn lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa hẹn điểm dễ thở hơn. 

Từ vấn đề như vậy, ở góc độ của một nhà XK tôm, theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), đối sách bây giờ không có bài bản nào thống nhất, mà tùy thuộc hoàn cảnh từng DN. Trước mắt là tập trung trao đổi, đàm phán với khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại và có thể chia sẻ cho nhau.

“Các DN cũng nên bình tĩnh xem xét điểm mạnh, yếu của mình một cách thẳng thắn. Qua đó biết cách đi sắp tới sao cho hạn chế thiệt thòi và tăng ưu thế”, ông Lực nhấn mạnh.

Chẳng hạn như các DN có thể xem xét lại sách lược thị trường XK. Nhất là trong thời điểm khó khăn này thì không nên đối đầu ở thị trường có đối thủ thể hiện quá mạnh so với mình. 

Ngoài ra, nếu như DN nào có những sản phẩm mang tính thế mạnh thì cần chú trọng quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho dù đây là giải pháp ngắn hạn và không cơ bản. Hơn nữa, các DN nên tinh gọn mọi mặt từ bộ máy, dây chuyền sản xuất, các định mức tiêu hao… Có như vậy mới giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh cho mình trên thị trường XK.

Nhìn chung, khi đơn hàng cuối năm không như kỳ vọng, để gỡ khó phần nào đang đòi hỏi sự linh hoạt nhiều hơn nữa về mặt đối sách từ phía DN. Ngoài việc đối phó với cạnh tranh để không bị tuột mất đơn hàng, các DN cần lên kế hoạch tấn công vào những thị trường mới nổi trong các FTA, cũng như tận dụng lợi thế của thương mại điện tử để phục vụ cho XK.

Nguồn: Tạp chí điện tử Kinh Doanh