Tin tức

Để sản phẩm 'Made in Vietnam' bắt nhịp xu thế thị trường FTA

21/11/2022    106

Bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, các mặt hàng XK của VN đang phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Trong đó phải kể tới việc siết chặt các vấn đề về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững... Do đó, để XK bền vững, các DN cần có những chiến lược bền vững, và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường.

Chia sẻ tại hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững" bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu-Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, xu hướng trên được nhận định sẽ tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp.

FTA mang lại giá trị bền vững cho hàng hóa Việt

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh 14-15% trong 2021-2022 (cao hơn mức trung bình 7% trước đó) nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Nhìn chung xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực; không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà xuất khẩu đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…

Tuy nhiên, theo đại diện này, hiện có những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Trong đó, EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững,… Vì thế, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, thời gian tới, thách thức chính của DN Việt Nam là phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáng tin cậy.

Đơn cử như tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi sẽ phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn với việc mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Hay như đối với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, muốn tăng trưởng xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/Flegt, giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental-Social-Governance), phát thải CO2…

Thị trường cần những sản phẩm chất lượng, canh tác bền vững

Trên thực tế, đã có nhiều DN đang có cách làm tốt để sản phẩm XK bền vững. Theo đó, để có ưu thế về chất lượng và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, các doanh nghiệp này không ngừng đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến...

Ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam, cho biết hiện sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại EU, như Thụy Sĩ, Anh,… Đặc biệt, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, như các sản phẩm cà phê, gia vị.

Đơn cử với sản phẩm cà phê, Nestlé Việt Nam thực hiện chương trình NESCAFÉ Plan từ năm 2011 đến nay, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cà phê từ người nông dân đến người tiêu dùng, giúp kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác, hỗ trợ cải thiện thu nhập cho người nông dân, đảm bảo bền vững về môi trường.

Trong đó, doanh nghiệp này đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để hỗ trợ người nông dân trồng cà phê, từ khâu phát triển và lựa chọn hạt giống đến thực hành canh tác tốt theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án đã giúp người nông dân trồng cà phê giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe và độ phì nhiêu của đất, giúp tăng tỷ lệ hấp thụ khí các-bon và giảm phát thải, cải thiện đa dạng sinh học.

Đồng thời, nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu sản phẩm Nestlé cho toàn thế giới, Nestlé Việt Nam đang tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao. Năm 2022, công ty bắt đầu sản xuất và xuất khẩu những lô đầu tiên sản phẩm cà phê hòa tan siêu thượng hạng sử dụng công nghệ sấy đông, sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.

“Trước đây, sản phẩm này chỉ được sản xuất quy mô nhỏ tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nestlé tại Mỹ. Nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai là nhà máy đầu tiên sản xuất dòng sản phẩm này ở quy mô thương mại trong toàn bộ Tập đoàn Nestlé. Công ty cũng đang liên tục mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê cao cấp mang thương hiệu Starbucks chuyên biệt cho xuất khẩu sang các thị trường châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc”, ông Kiên nói.

Chia sẻ câu chuyện này trong ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã đánh giá về tác động của các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới với ngành gỗ; chỉ ra thách thức về các qui định phi thuế quan liên quan đến phát triển bền vững cho ngành này.

“Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp cần thực hiện trước hàng loạt các qui định như: VPA/FLEGT, CITES và hướng tới là ESG, CO2… từ các thị trường nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng, tạo sự đột phá cho xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam trong thời gian tới”, ông Phương nói.

Bắt nhịp xu thế thị trường

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn, nhưng chưa có chiến lược xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, hay organic, mà hiện nay chúng ta xuất thô hơn 80% cho các nước khác chế biến. Do đó, DN nên có chiến lược chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu.

Để làm được điều này các cơ quan chức năng phải hỗ trợ đồng thời phát triển thêm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, bên cạnh vốn, DN phải củng cố nguồn lực, phải đi theo tiêu chuẩn của thế giới để thâm nhập vào thị trường sâu hơn. Đây cũng là cách duy nhất để khẳng định năng lực của DN.

Còn nhớ, trong một phát biểu gần đây khi sang thăm Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé nói rằng, mục tiêu kim ngạch đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê. Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững. Ví dụ như thị trường EU đang ngày càng kiểm soát chặt hơn đối với hàng nhập khẩu.

“Điều cần làm là tạo giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến thay vì chỉ xuất khẩu cà phê xanh, vốn có giá trị hạn chế”, ông David Rennie nói.

Như vậy, để tận dụng triệt để các FTA, tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa, đảm bảo xuất khẩu bền vững sang các thị trường FTA, các DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường; tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Nguồn: Tạp chí điện tử Kinh doanh